Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm công tác xây dựng Đảng. Bác chú ý đọc những bài viết về Đảng, trong đó có bài “Tổ chức cho quần chúng phê bình xây dựng Đảng” đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 21/8/1969. Bên cạnh bài báo, Bác ghi bút tích “Cắt dán lưu về Đảng”. Theo đồng chí Vũ Kỳ – thư ký của Bác nói lại lời Bác dặn – cần nhân rộng điển hình làm tốt công tác xây dựng Đảng ở chi bộ HTX phú Thành (xã Quỳnh Hậu huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Sau ngày Bác mất, trong bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần đầu quay cận cảnh bài báo ấy đặt trên bàn làm việc tại nhà sàn của Bác. Từ đó bài báo trở thành một hiện vật trưng bày đặt trang nghiêm trong hộp kính, hiện được lưu giữ bên giường Bác, nơi Bác trút hơi thở cuối cùng. Là tác giả bài báo, tôi nhớ lại mùa hè 1969, trước lúc từ giã cõi đời này, Bác đã viết xong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân. Bác cũng viết một bức gửi Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Bức thư này coi như một Di chúc cho quê hương. trong thư, Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống Cách mạng Xô Viết anh hùng, hết lòng hết sức xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu của cả nước. Thời gian đó, tôi là phóng viên thường trú của báo Nhân Dân tại Nghệ Tĩnh cũng là phóng viên chiến tranh tại Khu 4. Giữa mùa hè gió Lào, nắng táp rát mặt rát lưng, tôi đạp xe từ nơi sơ tán ở huyện Đô Lương về qua cầu Bùng (Diễn Châu) ra Cầu Giát (Quỳnh Lưu) qua bao trọng điểm đánh phá của máy bay tàu chiến Mỹ, rồi về Quỳnh Hậu, nơi có HTX phú Thành ngay trong bom đạn ác liệt vẫn thâm canh giỏi, lúa đạt năng suất 5 tấn, khoai lang đạt 20 tấn một vụ/ha. Những thành tựu xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu mà HTX phú Thành và xã Quỳnh Hậu đạt được do nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân có ý nghĩa quyết định là tổ chức Đảng ở đây đã được củng cố, xây dựng qua cuộc vận động “Xây dựng chi bộ bốn tốt”. Lúc đó có người dân nói, Đảng ở đây đã đổi mới rồi. Đổi mới những gì, đổi mới như thế nào, thì chưa ai hình dung được, người dân chỉ biết cái gì trước kia chưa làm được hoặc làm sai, nay làm được, làm tốt thì đó là mới. Chẳng hạn trước đây trong số đảng viên có nhiều người tỏ thái độ hống hách, điều hành công việc mất dân chủ, làm mất lòng dân, nội bộ chia bè chia phái, ban phát ân huệ cho nhau, bợ đỡ nhau để có chức, có quyền, một số đảng viên thiếu gương mẫu trong sản xuất thích làm cán bộ xách túi ra trụ sở, nay liên hoan mai chè chén bằng công quỹ; ông này vay được tiền HTX làm nhà, thì bà kia dại gì mà không xà xẻo thóc gạo của HTX, dại gì mà không “mượn tạm” công quỹ để mua giường, tủ, bàn ghế cho gia đình mình… trước thực trạng tổ chức đảng cơ sở có những khâu rệu rã, phẩm chất cách mạng của cán bộ đảng viên sa sút thoái hóa, Huyện ủy Quỳnh Lưu chỉ đạo Đảng bộ xã Quỳnh Hậu làm thử tại chi bộ phú Thành việc tổ chức cho quần chúng công khai phê bình xây dựng Đảng, thẳng thắn vạch rõ những sai trái, khuyết điểm của từng đảng viên, trên cơ sở đó lấy lại lòng tin của dân với Đảng, làm cho Đảng gắn bó máu thịt với dân, làm cho ý Đảng hòa quyện lòng dân. Đây là một cách làm đổi mới, nhưng không dễ gì một khi trong Đảng vẫn còn có người nhận thức sai, cho rằng Đảng lãnh đạo, thì Đảng nói gì dân cũng phải nghe, nếu để cho quần chúng công khai phê bình Đảng, thì sẽ làm mất uy tín của Đảng. Hơn nữa, quần chúng có năm bảy loại, có loại tiên tiến, có loại trung bình, có loại lạc hậu. Để loại lạc hậu phê bình Đảng có khác gì để họ tự do chống Đảng, nói xấu Đảng… Những người có quan điểm phân loại quần chúng kiểu ấy là xưa cũ quá rồi, bởi trong số thành phần quần chúng được xếp loại tiên tiến, chẳng thiếu gì kẻ xu nịnh ăn theo; trong số quần chúng được xếp là lạc hậu, chống đối chẳng thiếu gì người trung thực, thẳng thắn, vì lợi ích chung, vì muốn xây dựng Đảng mà dám đấu tranh, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực: Sao lại coi phê bình Đảng là vạch áo cho người xem lưng. Bác Hồ từng nói tự phê bình và phê bình cũng như việc rửa mặt hàng ngày, mặt được rửa luôn thì sẽ sáng sủa, sạch sẽ. Tại chi bộ phú Thành, sau khi làm rõ lợi ích của việc quần chúng phê bình xây dựng Đảng, thì tình hình chuyển biến rõ rệt, nếu nói chi bộ đã được đổi mới cũng là đúng. Bởi chưa bao giờ ý kiến của quần chúng được Đảng trân trọng lắng nghe, chưa bao giờ quần chúng lại có dịp góp ý kiến chân tình với Đảng, đồng thời nêu ra nhiều sáng kiến trong việc phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn như khi Đảng và quần chúng có sự đối thoại cởi mở với nhau. Qua các buổi phê bình, tổ chức Đảng nhận rõ, quần chúng chẳng ai muốn làm cho Đảng yếu ớt, kém năng lực lãnh đạo mà chỉ mong Đảng mạnh lên, đoàn kết chặt chẽ, chỉ đạo thật tốt công việc cần làm, sửa chữa ngay những sai sót để quần chúng them vững lòng tin vào Đảng. Câu chuyện tổ chức cho quần chúng phê bình xây dựng Đảng ở chi bộ phú Thành còn nhiều sự việc, lúc ấy cách đây 41 năm tôi viết chưa thật đầy đủ, nhưng đó là một kỷ niệm có ý nghĩa lớn lao của cuộc đời làm báo. Sau khi bài báo được đăng, còn gì vui sướng hơn, lại biết bài đó được Bác Hồ bút phê bên cạnh. Nhưng có ngờ đâu cũng chỉ mấy ngày sau, tôi nhận được điện cấp tốc gọi về Hà Nội và được giao nhiệm vụ đặc biệt, cùng với anh Hữu Thọ và một số phóng viên khác tham gia tổ tuyên truyền tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. trong những ngày thường trực ở Hội trường Ba Đình lòng quặn đau ghi chép cảnh từng đoàn người đau thương vào viếng Bác. Rồi tôi vào thăm nhà sàn của Bác với nhiều đại biểu Quốc tế, nước mắt tôi cứ lặng lẽ trào ra khi trông thấy trên bàn làm việc của Bác có tờ báo Nhân Dân mở ra trang 2 với hàng tít lớn “Tổ chức cho quần chúng phê bình xây dựng Đảng”. Nhìn cặp kính lão của Bác đặt trên bài báo lòng dạ tôi bồi hồi tưởng như Bác vừa mới đọc xong bài báo ấy, tôi miên man nghĩ về Bác Hồ của chúng ta, một Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà báo kiệt xuất, một người thầy sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, dù trong lúc lâm chung, cuộc sống chỉ còn tính từng giờ, từng ngày, vậy mà Bác vẫn quan tâm đến công tác Đảng, vẫn đọc bài báo cuối cùng viết về một chi bộ Đảng. Bác vĩ đại quá – Bác Hồ ơi! Kết thúc bài viết này, cho tôi được kể lại một hình ảnh đáng nhớ. Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi đưa đoàn nhà báo Liên Xô vào thăm Nghệ An quê Bác. Tại Bảo tàng Kim Liên, được cô nhân viên hướng dẫn có giọng nói êm dịu, nồng ấm giới thiệu những hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Cô dừng lại hồi lâu chỉ lên bài báo đặt trong khung kính treo trên tường và nói: “Đây là bài báo viết về công tác xây dựng Đảng ở một chi bộ của tỉnh Nghệ An, là bài báo cuối cùng Bác Hồ đọc. Bảo tàng Kim Liên đã làm phiên bản bài báo ấy”. Rồi cô chỉ vào tôi và vui vẻ nói: “Tác giả bài báo đang đứng trước mặt chúng ta – anh phạm Thanh”. Bất ngờ đồng chí Tổng biên tập Báo Sự thật Liên Xô, ôm choàng lấy tôi xoay một vòng: “Thật là vinh hạnh. Chúc mừng đồng chí”.
|
Bài báo ấy Bác Hồ đã đọc trước lúc đi xa
64