Ngày 21/5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về việc trùng tu các phố cổ: Genova và Hà Nội”. Hai tác giả chính của cuộc tọa đàm là KTS Giorgio parodi – Chủ tịch Hội KTS Tp Genova (Italia) và KTS Đào Ngọc Nghiêm – Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội.
Câu chuyện của Tp cổ Genova cuốn hút người nghe nhưng càng cuốn hút hơn khi KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ra so sánh: Giữa Genova và phố cổ Hà Nội có sự tương đồng. Việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu phố cổ Hà Nội cũng được đặt ra từ khoảng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên kết quả đạt được không nhiều. “Vậy bài học ở đây là gì?”- ông Nghiêm hỏi, đồng thời chia sẻ một vài băn khoăn: Quy hoạch phố cổ phải quy hoạch cái gì? trên thực tế, sau 15 năm phê duyệt quy hoạch phố cổ Hà Nội (năm 1995), quy hoạch đấy chưa hề được điều chỉnh. Ở khu vực 1 của phố cổ, Hà Nội vẫn lúng túng chọn ô phố, tuyến phố để trùng tu tôn tạo điểm và đưa vào khai thác. Ở khu vực II, nơi mà theo quy hoạch cho phép cải tạo, xây dựng xen cấy một số công trình thì đến nay vẫn chưa xác định được xen cấy cái gì. trong khi Genova thay đổi mạnh mạng lưới giao thông của trung tâm thành phố thì phố cổ Hà Nội theo quy hoạch sẽ phải giữ lại nguyên trạng kiến trúc mặt ngoài công trình, giữ nguyên mạng lưới giao thông, tuân thủ chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ… Câu hỏi bất ngờ nhất là khi ông Nghiêm đặt vấn đề: Tiêu chí nào để nhận diện quỹ di sản? Để xác định công trình có giá trị và có kế hoạch trùng tu, tôn tạo? Với Hà Nội, năm 1995, trong quy hoạch được duyệt, phố cổ được xác định là có 24 công trình di tích lịch sử, tôn giáo thì đến năm 2004, con số này là 104 và năm 2009 là 121. Tương tự như thế, đối với công trình kiến trúc có giá trị, năm 1995, số lượng thống kê được công bố là số hàng chục, mấy năm sau là số hàng trăm… Một vấn đề khác mà theo ông Nghiêm, Hà Nội mong học tập từ Genova là kinh nghiệm phát huy vai trò của cộng đồng và các cơ chế tạo điều kiện để bảo tồn khu phố cổ. phố cổ Hà Nội những năm qua vẫn lúng túng trong bài toán giãn dân. Bài toán này được khởi động nghiên cứu từ năm 1998, thậm chí đã xác định được 2 khu vực giãn dân, một ở Việt Hưng (28 ha), một ở Ngọc Thụy (12,6 ha) với nhiều cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đề án này chưa được triển khai. Mới đây, Tp Hà Nội tái khởi động đề án giãn dân, chưa biết đề án sẽ được triển khai ở mức độ nào nhưng rõ ràng bài toán giãn dân đã khó hơn. Bởi phố cổ luôn là khu vực có mật độ dân số cao hàng đầu Việt Nam. Mật độ này càng tăng lên trong gần 20 năm qua. trả lời câu hỏi quy hoạch cái gì? Yếu tố nào quan trọng trong quy hoạch, KTS Giorgio parodi cho biết: Với Genova, công tác quy hoạch bảo tồn tôn tạo không chỉ chú ý đến giá trị nghệ thuật, kiến trúc từng công trình riêng lẻ mà còn đặc biệt chú ý đến bằng chứng lịch sử liên quan đến công trình và tuân thủ nguyên tắc không đập bỏ các công trình mang tính lịch sử. “Điều quan trọng không phải là việc sửa sang lại từng ngôi nhà như thế nào, mà phải đảm bảo yếu tố tổng thể cảnh quan của khu phố, để qua đó, người ta thấy được thành phố đã trải qua những mốc lịch sử quan trọng nào?” – KTS Giorgio parodi nhấn mạnh – “trùng tu khu phố cổ là một quá trình lâu dài, bền bỉ, dựa trên một chiến lược quy hoạch tổng thể, một chương trình hành động toàn diện”. Khác với ông Nghiêm, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, tiêu chí để đánh giá công trình di sản rất rõ ràng gồm giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật – kiến trúc và giá trị sử dụng. Với phố cổ Hà Nội, giá trị lớn nhất là cấu trúc không gian, là không khí. Bản thân từng nhà, từng công trình giá trị không lớn nhưng về tổng thể không gian, cảnh quan, phố cổ buôn bán sầm uất như một siêu thị lớn và mở. Không khí, cảnh quan đó cần phải được bảo tồn. Tuy nhiên, cũng như ông Nghiêm, theo KTS Tạ Quỳnh Hoa – giảng viên Khoa kiến trúc – Quy hoạch trường ĐH Xây dựng, Hà Nội thiếu những cơ chế phù hợp, khả thi để khuyến khích người dân cùng tham gia. |
Bảo tồn, trùng tu cho phố cổ Hà Nội: Kinh nghiệm nào ?
5