Bình Dương là một tỉnh phát triển kinh tế khá mạnh ở khu vực Đông Nam bộ. Để làm được vấn đề đó thì việc phát triển quy hoạch, kiến trúc đã được lãnh đạo các ban ngành của Bình Dương đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông trần Văn Dũng – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương về vấn đề này. Theo ông Dũng, phát triển kinh tế phải gắn liền với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra chênh lệch quá lớn giữa các bộ phận dân cư, giữa khu vực thuận lợi và khó khăn. Bình Dương đã có 27 KCN, trong đó có 23 KCN đi vào hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào làm ăn. Toàn tỉnh đã có 1.735 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 10 tỷ USD. Sự phát triển của các KCN đã thúc đẩy nhanh việc đô thị hoá và gia tăng nhanh dân số là người lao động từ các địa phương khác đến làm việc, như ở huyện Dĩ An dân số tăng từ 10 vạn lên 29 vạn. Bình Dương đã từng bước xây dựng quy hoạch (QH) hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, tạo tiền đề cho việc phát triển. QH tổng thể, đồng bộ, không chỉ là khu dân cư mà còn là hệ thống cơ sở dịch vụ, văn hoá và nhất là phải nâng cao trình độ, năng lực quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ để theo kịp thực tế. Vậy công tác xây dựng và thực hiện QH ở Bình Dương như thế nào, thưa ông? – Để hoàn thành cơ cấu của một đô thị trong vùng Tp.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QH, Bình Dương đã phê duyệt và triển khai quy hoạch xây dựng (QHXD) vùng tỉnh Bình Dương và quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) đô thị Dĩ An, đô thị Thuận An, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 45%. Ban hành chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2020, nghị quyết về xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2006 – 2010. Tập trung đầu tư hạ tầng và đề nghị trung ương chuyển huyện Thuận An và Dĩ An thành đô thị loại IV và là thị xã thuộc tỉnh trong năm 2010, nâng cấp thị xã Thủ Dầu Một thành thành phố đô thị loại II. Chúng tôi cũng đang triển khai QHXD đô thị Bình Dương, điều chỉnh QHCXD đô thị Thủ Dầu Một, đô thị nam Tân Uyên, nam Bến Cát… phê duyệt 17 đồ án QHCXD đô thị, 31 đồ án QHCT phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết (QHCT) các trung tâm xã. Dự kiến đến cuối năm 2010 tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 48%. trong giai đoạn 2006 – 2010 đã nâng cấp được 1 đô thị loại V, 2 đô thị loại IV và 1 đô thị loại III, đồng thời tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm nay sẽ đạt 40%. Riêng đô thị Thủ Dầu Một đã đầu tư mở rộng nâng cấp 34 tuyến đường đô thị (77,4km), 6 tuyến đường ven rạch suối, trên 50% tuyến đường giao thông liên phường xã đã được bê tông hóa và 100% được lắp đặt hệ thống chiếu sáng… phấn đấu tới cuối năm 2015 tất cả các đô thị và khu vực có tính chất đô thị hóa cao đều có QHCXD và QHCT 1/2000, các xã đều có QHXD nông thôn. triển khai ngay từ năm 2011 – 2012 các QH về thoát nước đô thị và công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, QHXD công trình ngầm, cây xanh đô thị, nghĩa trang… Mục tiêu đến năm 2015 phải đạt tỷ lệ đô thị hóa 50%, 100% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch, 90% chất thải rắn được thu gom xử lý.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển QH thì vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được thực hiện như thế nào, thưa ông? – Thực hiện chủ trương xã hội hóa về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội, trong thời gian qua tỉnh đã huy động các DN và hộ gia đình xây dựng được trên 575 nghìn m2 phục vụ chỗ ở cho 143 nghìn công nhân, gần 42 nghìn m2 nhà ở phục vụ cho sinh viên, hỗ trợ 18,65 tỷ đồng cho 1.654 hộ nghèo cải thiện chỗ ở… Nâng tổng diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2010 đạt 15,12m2, đến năm 2015 lên 17m2. Bên cạnh đó các dự án khu dân cư, đô thị, nhà ở thương mại tăng mạnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 112 dự án có quy mô từ 5ha trở lên với tổng diện tích trên 6.253ha. Góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên chỉ có 28 dự án cơ bản hoàn chỉnh (chiếm tỷ lệ 25%), 38 dự án đang tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đạt 33,9%), 46 dự án đang đền bù giải tỏa (41,1%). Một số dự án nhà ở thương mại hoàn thành cơ bản đã góp phần tăng thêm quỹ đất ở, từ đó làm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên công tác triển khai lập quy hoạch xây dựng vẫn còn chậm, nhiều dự án nhà ở thương mại triển khai chậm và một số đầu tư không đúng quy hoạch chi tiết nhưng chậm được chỉ đạo xử lý. Một số dự án còn gây bức xúc như thoát nước đô thị và công nghiệp, dự án nhà ở xã hội chậm được triển khai.
Xin cám ơn ông! |
Bình Dương: Quy hoạch gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội
67