Kết cấu hạ tầng trong đô thị loại đặc biệt phải được xây dựng đồng bộ – Ảnh: Huy Anh |
Đô thị được phân thành 6 loại, trong đó đô thị loại đặc biệt là TP trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc.
Đô thị loại I, loại II là TP trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và có thể có các đô thị trực thuộc; là TP thuộc tỉnh có các phường nội thành và các xã ngoại thành.
Đô thị loại III là TP hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị.
Đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thị và các xã ngoại thị.
Đô thị loại IV, đô thị loại V là thị trấn thuộc huyện có các khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn.
Nghị định cũng đã quy định nguyên tắc, các tiêu chuẩn phân loại đô thị, căn cứ và chức năng đô thị; quy mô dân số tối thiểu phải đạt 4.000 người trở lên; mật độ dân số phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong nội thành, nội thị phải đạt tối thiểu 65% so với tổng số lao động; hệ thống công trình hạ tầng đô thị; kiến trúc, cảnh quan đô thị.
– Đô thị loại đặc biệt chức năng là thủ đô hoặc trung tâm kinh tế, tài chính, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, du lịch, y tế, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế… có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Quy mô dân số toàn đô thị từ 5 triệu người trở lên và có mật độ dân số khu vực nội thành từ 15.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% so với tổng số lao động. Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị đối với khu vực nội thành phải được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường đô thị; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Các khu đô thị mới trong đô thị loại đặc biệt phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 60% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công cộng…
– Đô thị loại I trực thuộc Trung ương có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa… có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước. Đô thị trực thuộc Trung ương quy mô dân số đạt 1 triệu người trở lên; mật độ dân số nội thành đạt 12.000/km². Đô thị trực thuộc tỉnh đạt 500.000 người trở lên và có mật độ dân số nội thành tối thiểu 10.000 người/km².
– Đô thị loại II có quy mô dân số đạt từ 300.000 người trở lên. Trường hợp đô thị loại II trực thuộc Trung ương thì quy mô dân số phải đạt trên 800.000 người. Đô thị trực thuộc tỉnh có mật độ dân số từ 8.000 người/km² trở lên; trường hợp đô thị trực thuộc Trung ương thì quy mô mật độ dân số từ 10.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành tối thiểu đạt 80% so với tổng số lao động.
– Đô thị loại III có dân số từ 150.000 người trở lên; mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị từ 6.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị tối thiểu đạt 75% so với tổng số lao động.
– Đô thị loại IV có dân số 50.000 người trở lên. Mật độ dân số khu vực nội thị từ 4.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị tối thiểu đạt 70% so với tổng số lao động.
– Đô thị loại V có dân số từ 4.000 người trở lên. Mật độ dân số bình quân từ 2.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tại các khu phố xây dựng tối thiểu đạt 65% so với tổng số lao động.
Còn đối với các đô thị ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn, nhưng tối thiểu phải đạt 50% tiêu chuẩn quy định, các tiêu chuẩn khác phải bảo đảm tối thiểu 70% mức tiêu chuẩn quy định so với các loại đô thị tương đương.
Nghị định 42/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-7-2009 và thay thế Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 5-10-2001 của Chính phủ về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị.
Nhung Nguyễn/ SGGP