Cấm quảng cáo khổ lớn tại phố cổ





Quảng trường 19/8, 1/5, Hồ Gươm và nhiều tuyến phố lân cận tại Hà Nội vừa được qui định là “khu vực hạn chế quảng cáo”. Diện tích các bảng quảng cáo đặt tại khu vực này tối đa là 20m2.


Ngày 24/8, UBND TP Hà Nội ban hành Qui chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội, qui định rõ các khu vực cấm hoàn toàn việc quảng cáo và khu vực hạn chế quảng cáo tại Thủ đô.



Theo đó, Thành phố nghiêm cấm quảng cáo tại khu vực quảng trường Ba Đình (được giới hạn bởi các tuyến phố tiếp giáp nhau bao quanh quảng trường: Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hùng Vương); trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp; tổ chức chính trị, chính trị – xã hội; doanh trại quân đội; trụ sở công an; đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế.


Cùng với đó, các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, khuôn viên nơi đặt tượng đài, bia tưởng niệm và cơ sở tôn giáo – cũng là những khu vực bị cấm quảng cáo (kể cả chỉ treo băng-rôn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tại các cửa hàng, đại lý tại những nơi này).


Tiếp đến là các khu vực được Thành phố Hà Nội qui định “hạn chế quảng cáo”, tức chỉ được quảng cáo bằng hộp đèn, bảng nan, bảng đèn neon uốn chữ, bảng trivison, màn hình điện tử chạy chữ và tất cả các loại bảng quảng cáo diện tích đều không quá 20m2.


Đó là các khu vực: Quảng trường 19/8 (Nhà hát Lớn Hà Nội); Quảng trường 1/5 (Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô; hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Trống, Hàng Hành, Bảo Khánh, Lương Văn Can, khu vực ngã 5 Đài phun nước, Lò Sũ, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bông, Điện Biên Phủ, nút giao thông ngã 5 Cửa Nam.


Khu vực phố cổ cũng thuộc diện bị hạn chế quảng cáo, giới hạn bởi các phố: Hàng Đậu, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Phùng Hưng.


Đặc biệt, tất cả các mặt hồ nước trên địa bàn Thủ đô cũng nằm trong “khu vực hạn chế quảng cáo” và chỉ được quảng cáo cho các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí mang tính thể dục thể thao, hoạt động văn hóa nghệ thuật hoặc hoạt động khác vào các dịp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.


Tại các khu vực hạn chế quảng cáo này, việc quảng cáo trên nóc nhà chỉ được phép sử dụng bảng neon uốn chữ. Không được quảng cáo bằng các hình thức khác đặt trên hoặc che lấp nóc nhà, mái nhà.


Thành phố đồng thời qui định, tại các khu vực công cộng như bên trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm hoạt động văn hóa – thể thao đa năng, nhà ga hàng không, nhà ga tàu hỏa chỉ được lắp đặt quảng cáo bằng hộp đèn có diện tích tối đa đến 20m2.


Trong khu vực khuôn viên khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ, trụ sở công ty – doanh nghiệp, siêu thị, nhà ga, bến xe, bãi xe được lắp đặt bảng quảng cáo bằng hộp đèn, bảng nan, trivison có kiểu dáng một hoặc hai cột trụ với diện tích mỗi mặt tối đa đến 40m2 (cao “hết cỡ” là 8m).


Các điểm công cộng nằm trong nội đô có khuôn viên nhỏ chỉ được Thành phố cho phép đặt bảng quảng cáo tối đa 15m2, chiều cao tối đa tính đến mép trên cùng của bảng là 5,5m. Các tuyến phố trong khu vực nội đô nếu khoảng cách giữa 2 cột đèn chiếu sáng là 25m thì cách một cột đèn được treo, gắn 1 hộp đèn quảng cáo. Tuy nhiên, việc quảng cáo bằng hộp đèn gắn trên đỉnh cột treo băng-rôn phải thực hiện theo qui hoạch của Thành phố.


Quảng cáo tấm lớn trong khu vực vành đai II theo qui định vừa ban hành được đặt bảng diện tích 40-60m2, trong phạm vi từ vành đai II đến vành đai III được đặt bảng diện tích 60-80m2 và ngoài khu vực vành đai III được đặt biển quảng cáo diện tích mỗi mặt tối đa 120m2.


Đáng chú ý, theo qui định mới, các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội không được lắp đặt bảng quảng cáo vượt quá tầng 10, và tòa nhà ở cao tầng trong các khu đô thị chỉ được quảng cáo tại các tầng dịch vụ, không được lắp đặt bảng quảng cáo tại các tầng nhà ở.


Tuy nhiên, Thành phố cho phép các tòa nhà cao tầng là khách sạn, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính – ngân hàng, trung tâm hoạt động văn hóa đa năng, cao ốc trụ sở văn phòng cho thuê – được lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu tại tầng trên cùng bằng đèn neon uốn diện tích tối đa dưới 40m2 (chiều cao các chữ tối đa 2,5m) để thể hiện tên gọi, logo của tổ chức, cá nhân là chủ tòa nhà hợp pháp.


Thành phố Hà Nội yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép khi thực hiện quảng cáo phải đảm bảo độ an toàn, vững chắc. Nếu quảng cáo không đúng nội dung, vị trí, kích thước theo giấy phép hoặc không đảm bảo an toàn, làm thiệt hại tính mạng, tài sản của các tổ chức, cá nhân… sẽ bị xử phạt.


(Theo VNN)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *