Đây là kiến nghị của người dân TP Nam Định, Huế, Lạng Sơn và thị xã Thủ Dầu Một do nhóm chuyên gia dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân và quản lý nhà nước tại các đô thị Việt Nam thông qua Hiệp hội Các đô thị Việt Nam” thu thập được sau khi tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến. Kiến nghị nói trên cũng như kết quả cuộc khảo sát được công bố tại hội thảo về dự án (ngày 22/9).
Tổ trưởng dân phố có vai trò quan trọng Dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân và quản lý nhà nước tại các đô thị Việt Nam thông qua Hiệp hội các đô thị Việt Nam” do EU và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS, Đức) tài trợ với tổng kinh phí 784.980 EUR. Dự án được triển khai trong 30 tháng, bắt đầu từ tháng 2/2009 với mục tiêu nâng cao năng lực của Hiệp hội Các đô thị Việt Nam (ACVN) nhằm tăng cường sự tham gia của người dân và cải thiện quản lý nhà nước ở các đô thị thành viên ACVN.
Trở lại với cuộc thăm dò ý kiến, nhóm chuyên gia của dự án cho biết về cách thức triển khai khảo sát. Theo đó mỗi đô thị chọn ra 10 phường/xã. Mỗi phường/xã chọn 3 điểm dân cư (tổ dân phố, thôn). Mỗi điểm dân cư ngẫu nhiên chọn 25 hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình chọn ngẫu nhiên một người điền bảng hỏi. Như vậy, tổng cộng có 3.000 người được hỏi. Kết quả khảo sát cho thấy ở nội dung giao tiếp giữa người dân và chính quyền, 72% người dân quan tâm và có được thông tin khá tốt về những vấn đề mà họ thường xuyên quan tâm như môi trường, vệ sinh, y tế, giáo dục. Người dân cũng được biết về các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, mức lệ phí. Tuy nhiên, hơn 50% số người dân được hỏi cho biết họ quan tâm nhưng ít được thông tin về các vấn đề như ảnh hưởng của quy hoạch sử dụng đất của TP hay quy hoạch đô thị đến phường/xã trong khi Pháp lệnh Dân chủ cơ sở quy định việc thông tin cho người dân và người dân tham gia ý kiến trước khi chính quyền quyết định. Sự thiếu hụt thông tin này cho thấy cơ chế để người dân tham gia tại xã phường hoạt động không hiệu quả. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 66% người trả lời đã từng tiếp xúc với chính quyền địa phương trong vòng 6 tháng qua. Trong các số lần đó, 84% sự việc được chính quyền phường/ xã giải quyết, 11% được chính quyền TP/TX giải quyết. Điều đáng ghi nhận là hơn một nửa các cuộc tiếp xúc giữa người dân và chính quyền địa phương tại phường/xã là thông qua tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn. Trả lời của chính quyền cũng thông qua những người này. Như vậy tổ trưởng dân phố/trưởng thôn là trung gian giữa người dân và chính quyền địa phương và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Pháp lệch Dân chủ cơ sở.
Vẫn còn áp đặt Ở nội dung khảo sát thứ hai, sự tham gia của người dân vào quy hoạch và phát triển đô thị, có đến 69% người trả lời cho biết họ rất quan tâm đến quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất nhưng lại rất thiếu thông tin. Sự đóng góp ý kiến của người dân ở phường/xã chưa được như mong muốn. “Người dân thực sự mong muốn tham gia vào quy trình quy hoạch để bảo đảm nhu cầu và nguyện vọng của họ được xem xét trong quy hoạch sử dụng đất” – Nhóm chuyên gia của dự án phân tích. Trả lời câu hỏi “Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện như thế nào trong công tác quy hoạch TP mà ông/bà đang sống?”, 28% người trả lời cho biết họ được biết, được tham gia nhưng có đến 50% người khác chỉ biết chứ không được bàn, 22% còn lại cho rằng Pháp lệnh không được thực thi, tất cả “được áp đặt từ TP”. Ở nội dung khảo sát về dịch vụ hành chính công, đa số người dân biết khá rõ về “dịch vụ một cửa”. Tuy nhiên, trong các dịch vụ công, thì dịch vụ một cửa về cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, cấp giấy phép xây dựng có số người ít thỏa mãn hơn cả. Về cơ bản, người dân đánh giá “dịch vụ một cửa” tại xã, phường khá tích cực. Họ hài lòng về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, thông tin về giấy tờ và thủ tục, biểu mẫu đơn giản, phí dịch vụ hợp lý. “Những năm qua, dịch vụ hành chính công đã có sự cải thiện rõ rệt” – người dân nhận định. Mặc dù có những nhận xét mang tính phê bình nhưng người dân vẫn thấy sự tiến bộ trên cả 4 nội dung (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra) thực hiện Pháp lệnh Dân chủ tại phường/xã trong 2 năm qua. Họ cho rằng trong số 4 nội dung của Pháp lệnh dân chủ cơ sở cần được chú trọng thực hiện trong thời gian tới là nhấn mạnh nhu cầu được thông tin của người dân. Họ một lần nữa khẳng định trưởng thôn/tổ trưởng dân phố có vai trò quan trọng trong việc thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở tại xã/phường. Sau cùng, người dân kiến nghị các cấp chính quyền cần công khai thông tin cho dân biết; thông báo các chính sách của Nhà nước để người dân có thể tham gia; đầu tư tốt hơn cho cơ sở hạ tầng địa phương và tôn trọng ý kiến của người dân. “Lãnh đạo không nên chỉ hô hào” – Người dân kiến nghị. Được biết, kết quả nghiên cứu, khảo sát này sẽ được liên kết với thực tế tại địa phương và kinh nghiệm của các cơ quan quản lý có liên quan nhằm đưa ra những đề xuất hoàn thiện báo cáo. Kết quả nghiên cứu cũng góp phần để xác định các ưu tiên trong các khóa đào tạo của dự án về tăng cường sự tham gia của người dân và quản lý nhà nước ở các đô thị. |