Hầm giữ xe chứa nhiều khí độc
Cụ thể, theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, các loại xe cơ giới nói chung, mô tô, xe máy nói riêng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên thải ra các thành phần trực tiếp gây ô nhiễm không khí hoặc kết hợp để tạo thành các chất ô nhiễm thứ cấp ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người, bao gồm: chì (Pb) và các phụ gia khác có trong nhiên liệu như benzen, toluene, xylene…; bụi hạt lơ lửng, carbon monoxit (CO), hydro carbon (HC), lưu huỳnh dioxit (SO2), các oxit nitơ (NO và NO2), ozon… Ngoài ra, trong khí thải xe cơ giới còn có các thành phần gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxit (CO2), metan (CH4) và N2O. Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, riêng khí CO, nếu tích tụ lâu dài với nồng độ cao, có thể khiến người hít phải bị choáng váng, nhức đầu, máu khó lưu thông lên não, nguy hiểm hơn có thể gây ngất xỉu tại chỗ.
Làm thế nào kiểm soát và giảm thiểu radon? N.Thảo |
TS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Phòng Kiểm soát ô nhiễm không khí, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, cho biết hiện nay nhiều tòa cao ốc, khách sạn, trường đại học… thường thiết kế tầng hầm dùng để giữ xe. Tại nhiều trường đại học, trước cổng soát vé của tầng hầm giữ xe có để bảng “Yêu cầu tắt máy, dẫn bộ khi vào bãi xe”, tuy nhiên, rất nhiều người vừa qua cổng bấm vé là rồ ga chạy thẳng vào trong, thải ra nhiều khí độc hại tích tụ trong tầng hầm. Trong khi đó, đa số các tầng hầm đều chưa được trang bị hệ thống hút khí, thông gió đạt yêu cầu. Ngoài ra, ngay cả khi xe không hoạt động thì với mật độ nhiều, hơi xăng vẫn khiến khó thở, hô hấp kém. TS Bình nhấn mạnh nếu ngửi thấy mùi xăng bằng mũi, tức là nồng độ khí thải đã vượt mức độ cho phép từ vài chục đến hàng trăm lần. Không chỉ gây hại cho người, có khi, chỉ cần một tia lửa cũng khiến xảy ra cháy nổ ngay lập tức.
Nguy cơ từ khí radon
Cũng theo TS Bình, hiện nay một số hầm giữ xe dùng quạt với mục đích giảm bớt lượng khí ô nhiễm. Tuy nhiên, quạt gió cũng không giải quyết được vấn đề, bởi quạt chỉ làm cho khíquần từ nơi này sang nơi khác trong hầm, làm cho nồng độ khí thải trong hầm tản đều ra chứ không hề giảm bớt. Vì thế, giải pháp đúng là phải trang bị hệ thống quạt hút khí, quạt thông gió đưa không khí ô nhiễm ra ngoài tầng hầm, rút khí sạch vào trong để giảm bớt ô nhiễm.
Ngoài các loại khí độc từ xe cộ, các tầng hầm còn tàng trữ một loại khí rất độc hại – khí radon. Theo ông Nguyễn Văn Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Hạt nhân TPHCM, do thiếu thông thoáng nên tại tầng hầm của các tòa cao ốc, lượng khí radon xuất hiện tương đối đáng kể. Radon là một loại khí không mùi, không vị và không nhìn thấy được, sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của uran, có tính trơ về hóa học, thoát qua các vết rạn và lỗ trống rất nhỏ trong vật chất rồi khuếch tán vào không khí và từ đó chúng ta có thể hít phải. Theo số liệu của Hiệp hội Ung thư Mỹ, hằng năm, tại nước này có khoảng 20.000 cái chết do ung thư phổi có liên quan đến chiếu xạ radon. Chiếu xạ radon là nguyên nhân thứ hai gây ra ung thư phổi sau nguyên nhân hút thuốc lá. Radon là một dạng bức xạ ion hóa và là một tác nhân gây ung thư đã được minh chứng. Hiệp hội Ung thư Mỹ thông báo rằng với các ngôi nhà thường xuyên được đóng kín, mức radon trong nhà trên 4 pCi/lít, cao hơn nhiều so với mức radon trung bình trong khí quyển ngoài trời là 0,4 pCi/lít. Sự chiếu xạ lớn nhất đối với radon là trong các phòng dưới đất (chẳng hạn, tầng hầm của các công trình công cộng) và các phòng ở tầng trệt, nhất là khi chúng thường xuyên bị đóng kín.
Theo NLĐ