phó Thủ tướng Hoàng trung Hải vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lai Châu đồng ý về nguyên tắc cho phép thăm dò đất hiếm tại khu vực Bắc Nậm Xe, xã Nậm xe, huyện phong Thổ, tỉnh Lai Châu. phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại khu vực nêu trên.
Theo Cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường), tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đứng trong top 5 thế giới. Khu vực phân bố chủ yếu ở Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Đất hiếm ở khu vực Tây Bắc Việt Nam có chứa chất phóng xạ với hàm lượng khá cao. Ngoài những tác động đến môi trường giống như các hoạt động khai thác các khoáng sản khác, việc khai thác đất hiếm ở nước ta phải đối mặt với nguy phát tán chất phóng xạ.
Cuối năm 2010, Nhật Bản tuyên bố muốn sử dụng công nghệ khai thác hiện đại để khai thác đất hiếm của Việt Nam, nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn cung vào trung Quốc. Dự định này của Nhật được công bố sau khi trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, khai thác đất hiếm tuy không mang lại nhiều giá trị kinh tế trước mắt song có thể giúp Việt Nam xây dựng mô hình hợp tác với Nhật trong các lĩnh vực khác.
Quặng đất hiếm chứa 17 nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất, đa số chúng được dùng trong lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng. Người ta dùng 17 nguyên tố trong đất hiếm để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, động cơ xe hơi dùng cả xăng và điện, nam châm trong các máy phát thủy điện cực nhỏ và cả các thiết bị trong vũ trụ.
Theo Vietnamnet