Hà Nội đang khẳng định dấu ấn sâu đậm và tầm vóc lớn lao của mình trong lòng người dân cả nước và bạn bè năm châu bằng các công trình xây dựng lớn và một nền kinh tế đầy năng động. Có thể nói, những công trình xây dựng chào mừng Đại lễ đã bước qua nhiều thăng trầm, có thời điểm còn là điểm “nóng” bức xúc dư luận cả nước do tiến độ GpMB, thi công dự án. Nhưng sau khi được đưa vào sử dụng, các công trình này là những nét tô điểm không thể thiếu, nâng tầm vóc dáng Thủ đô 1.000 năm… Minh chứng đầu tiên có thể kể đến là cây cầu lớn nhất, là ước mơ, mong đợi từ bấy lâu của người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Cầu Thanh trì được xây dựng thành công đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc, vươn lên làm chủ công nghệ làm cầu lớn của Việt Nam. trong quá trình xây dựng cây cầu, nhiều đơn vị xây dựng của Việt Nam tham gia liên danh như: TCty Xây dựng Thăng Long, CIENCO 8, CIENCO1, CIENCO 4, VINACONEX đã cùng với các nhà thầu chính Nhật Bản áp dụng thành công những công nghệ xây dựng cầu tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay như: Công nghệ đúc dầm cầu sử dụng đà giáo di động (MSS) lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; công nghệ thi công bệ móng trụ cầu chính bằng vòng vây cọc ống thép; công nghệ đúc hẫng cân bằng dầm cầu chính liên tục chiều dài nhịp 130m; công nghệ cọc khoan nhồi theo phương pháp tuần hoàn ngược có đường kính từ 1 – 2m và sâu trên 50m. Sau khi đưa vào khai thác, cầu Thanh trì đã giải toả sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội), đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải lưu thông qua nội thành. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Dự án đường vành đai 3. Khi lập quy hoạch, các nhà hoạch định đã xác định đường vành đai 3 có vị trí quan trọng đặc biệt để phục vụ SEA Games 22 và là động lực phát triển đô thị phía tây nam Tp. Hơn thế đường vành đai 3 hoàn thành sẽ góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho Thủ đô đang là gánh nặng của hầu hết các tuyến đường chính của Hà Nội. Tuy nhiên, dự án chỉ dài hơn chục cây số này lại được coi là công trình “vướng mắc trường kỳ” về GpMB, gây ra không ít điều tiếng. trong suốt nhiều năm, không những người dân Hà Nội mà tất cả nhân dân cả nước đều phải sống trong sự mong ngóng, chờ đợi, nhiều lúc tưởng chừng như vô vọng. Giờ đây, dự án đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, ghi dấu ấn đậm nét của sự quyết tâm GpMB của Chính phủ, Bộ GTVT, Tp Hà Nội cũng như tinh thần quyết liệt ra quân đồng loạt cưỡng chế GpMB của các lực lượng từ công an, quân đội, thanh tra giao thông và dân quân tự vệ. Hiệu quả của dự án đã được mọi tầng lớp nhân dân của Thủ đô ghi nhận. Một công trình khác là Nhà hát Thăng Long được hoạch định tại khu X2 Mễ trì (Từ Liêm), trên diện tích 2,445ha mặt đường phạm Hùng, gần trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội. Theo Quyết định điều chỉnh mới nhất vào tháng 3/2010 và sau nhiều lần chuyển địa điểm xây dựng, Nhà hát Thăng Long vẫn bao gồm 3 không gian chính: không gian hòa nhạc kinh điển khoảng 1.500 – 2.000 chỗ; không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống và không gian biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc thù. Ngoài ra, nhà hát cũng có các không gian tổ chức lễ hội ngoài trời với các giải pháp giao thông công cộng đảm bảo yêu cầu về thoát người khi xảy hiểm họa… Lãnh đạo Hà Nội kỳ vọng đây sẽ là một trung tâm nghệ thuật biểu diễn đa năng mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, từ nghệ thuật biểu diễn hiện đại cho đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian; là trung tâm biểu diễn hoạt động văn hóa của Thủ đô đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng; là điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội. Hình dáng Thủ đô Hà Nội sau 1.000 năm phát triển ngày càng rõ nét, những công trình xây dựng, những cơ chế chính sách đang làm cho Thủ đô mở sang trang mới, tiến tới nền văn minh, hiện đại, kế thừa truyền thống 1.000 năm văn hiến… |
Chuyển mình đón vận hội
1