Mới vào đầu năm, dư luận Hà Nội đã xôn xao chuyện UBND Tp vừa cho phép TCty Thiết bị Điện Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê trên khu đất vàng có diện tích gần 10 nghìn m2 tại số 10 phố trần Nguyên Hãn và số 27 – 29 phố Lý Thái Tổ (Q.Hoàn Kiếm) cạnh Hồ Gươm. Và ngày 5/3, theo ông Dương Đức Tuấn – phó giám đốc Sở QH-KT thì sở này đã cấp chứng chỉ quy hoạch cho dự án với yêu cầu kiến trúc lớp ngoài cùng tối đa 6 – 7 tầng (không quá 24m); kiến trúc lớp trong 8 tầng (không quá 32m); mật độ xây dựng 50%. Cũng theo ông Tuấn, lô đất để thực hiện dự án không nằm trong vùng phụ cận khu vực Hồ Gươm, và như thế không vi phạm quy chế quản lý khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận!? Tuy nhiên, với văn bản cho phép (chấp thuận) của UBND Tp Hà Nội và ý kiến ủng hộ của Sở QH-KT, dư luận Thủ đô không khỏi băn khoăn lo ngại. Từ lâu nay, vấn đề bảo tồn và phát triển khu phố cổ cũng như khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận luôn là vấn đề nhạy cảm, được xã hội rất quan tâm. Việc xây dựng công trình kiến trúc chung quanh Hồ và khu vực Hồ đã từng gây nhiều phản ứng của nhân dân. Như việc xây tòa nhà “Hàm cá mập” vào thập niên đầu 90 ở vị trí ga xe điện Bờ hồ, nằm cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; hay công trình Khách sạn Vàng đối diện nhà Thủy Tạ (sau này chủ đầu tư chuyển đổi thành tòa nhà Bảo Việt) vào thập niên cuối 90. Rồi gần đây thôi, là dự án hoành tráng của ngành điện tại vị trí Sở Điện lực, nơi xưa là Nhà đèn, trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sát Hồ Gươm suýt được xây dựng nếu không bị phản ứng quyết liệt của Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch và của nhân dân Thủ đô. Hồ Gươm là di tích văn hóa lịch sử không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước. Bất kỳ một quyết định nào cho phép xây dựng tại đây cần hết sức thận trọng, nhất là công trình kinh doanh, thương mại. Cách đây ít năm, do chủ trương kêu gọi đầu tư một cách dễ dàng đã biến khu đất vàng Hồ Gươm thành miếng mồi béo bở cho các nhà đầu nước ngoài và trong nước. Có thể thấy, tòa nhà Vinafood (9 tầng); Tungshinh Square (15 tầng)… cùng nhiều tòa nhà cao tầng khác đã trở thành bức tường thành án ngữ tầm nhìn từ Hồ Gươm ra sông Hồng và biến Hồ như một cái ao!? Việc cho phép xây dựng trung tâm thương mại với khối tích lớn, cho dù chỉ là 8 tầng, cũng sẽ càng làm phá vỡ cảnh quan khu vực Hồ. Đồng thời làm gia tăng mật độ người, xe vốn đã rất quá tải ở khu vực nhạy cảm này. Hơn nữa, chung quanh hồ đã có quá nhiều siêu thị, trung tâm thương mại như tràng Tiền plaza chẳng hạn… Hà Nội đã mở rộng. Chúng ta không thiếu đất để xây trung tâm thương mại, văn phòng cao tầng đồ sộ và hiện đại. Mong sao quyết định của Tp sẽ không trở thành hiện thực. Bởi biết lắng nghe, cũng là tiêu chuẩn cần thiết của người lãnh đạo! |
Chuyện quanh Hồ Gươm
88