Trong khi dự báo năm 2009 sẽ có hàng vạn lao động thất nghiệp thì trong ngành Xây dựng, nhiều DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động từ trình độ kỹ sư tới công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề. Sự suy giảm kinh tế, khủng hoảng thừa lao động trong xã hội xét về mặt nào đó lại là cơ hội cho các DN ngành Xây dựng củng cố, xây dựng lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, khắc phục tình trạng sử dụng lao động không có tay nghề tỷ lệ cao như đã tồn tại nhiều năm qua.
Theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực của TCty Sông Đà thì năm 2009 nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn cần khoảng 4 nghìn lao động, trong đó trên 200 kỹ sư, 3 – 3,8 nghìn công nhân xây dựng, thợ hàn, thợ sắt, thợ lái máy… Hiện tại CBCNV của TCty có khoảng trên 30 nghìn người, trong đó gần 5 nghìn cán bộ, nhân viên trình độ đại học, 50 tiến sĩ, thạc sĩ và trên 20 nghìn công nhân lành nghề. Một số giải pháp TCty đã thực hiện để phát triển nhân lực giai đoạn từ nay đến 2015 đã có kết quả đáng khích lệ như: Hợp tác với các trường ĐH Mỏ địa chất, Thuỷ lợi, Xây dựng cấp học bổng cho 170 sinh viên để sau khi tốt nghiệp các sinh viên sẽ về nhận công tác tại các đơn vị thuộc TCty; cử 7 cán bộ quản lý trẻ đi học thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA) tại Anh quốc. Trên cơ sở nhiệm vụ SXKD hàng năm, TCty tính toán nhu cầu nhân lực, cân đối lập kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, điều động, bổ sung cán bộ quản lý cho các công trình trọng điểm của Nhà nước, của TCty: Thuỷ điện Sơn La, Bản Vẽ, Sê San 4… Chuẩn bị nhân lực cho thi công các công trình mới như thuỷ điện Huội Quảng, Nậm Chiến, Sêkaman 3 tại Lào… Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ cho khoảng 1 nghìn người là các cán bộ chủ chốt, đội trưởng, kỹ sư, cử nhân… Hiện TCty Sông Đà có hai trường đào tạo là Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tuyển dụng hàng năm. Cũng trong khối DN xây lắp, VINACONEX có mục tiêu tìm kiếm, phát hiện, thu hút và sử dụng những ứng viên có khả năng làm việc thực sự, tâm huyết với nghề và gắn bó với đơn vị. Bình quân mỗi năm VINACONEX tuyển dụng gần 1.000 kỹ sư, cử nhân và 3.500 công nhân kỹ thuật các ngành nghề: Xây dựng, cấp thoát nước, cơ khí, giao thông, tài chính… Đây chưa thể coi là đáp ứng 100% yêu cầu thực tế. Nguyên tắc tuyển dụng lao động của VINACONEX dựa trên quan điểm tuyển dụng ứng viên có đức, có tài thực sự. Tất cả các vị trí, chức danh có nhu cầu tuyển dụng đều được thông báo công khai, rõ ràng các điều kiện, tiêu chuẩn. Ngoài ra VINACONEX còn thực hiện chính sách ưu tiên tuyển dụng con em của CBCNV đã, đang làm việc tại TCty với mục đích xây dựng VINACONEX trở thành gia đình thứ hai của người lao động. TCty ưu tiên tuyển dụng lao động tại các địa phương, nơi có dự án, công trình của VINACONEX. Một trong những lợi thế rất riêng của VINACONEX là hàng năm TCty này tiếp nhận lại số lượng đáng kể lao động đã kết thúc thời hạn xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Đây là lực lượng lao động có giá trị cao vì họ đã hình thành tác phong, ý thức làm việc chuyên nghiệp sau thời gian dài làm việc tại các nước công nghiệp phát triển. TCty CP VINACONEX quan ngại tình trạng thiếu hụt lực lượng kế cận tại một số DN khi những cán bộ có trình độ đến tuổi nghỉ hưu mà lứa cán bộ trẻ chưa được đào tạo, chưa đủ điều kiện sẵn sàng nhận nhiệm vụ. TCty đã và đang chuẩn bị nhân lực dài hơi cho 5 – 10 năm tới, khi mà dự đoán khủng hoảng thiếu hụt công nhân kỹ thuật sẽ ngày càng trầm trọng. Những tháng đầu năm 2009, trong khi nhiều DN, ngành nghề lo cắt giảm lao động thì tại TCty LILAMA đã bàn giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững, ổn định đơn vị, đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng lao động nòng cốt của TCty. Mỗi năm LILAMA có nhu cầu tuyển dụng thêm từ 5 – 10% lực lượng lao động hiện có, tương đương với gần 3.000 người. Kinh nghiệm của TCty HUD là ngay từ khi giải phóng mặt bằng, lập và quản lý dự án đầu tư xây dựng cho đến khi hoàn thành công trình xây dựng đều phải áp dụng hình thức đào tạo nhân lực ngay trong công việc, bố trí xen kẽ những người có kinh nghiệm làm việc kèm cặp người mới vào. TCty HUD thừa nhận sẽ rất bất lợi khi chưa xây dựng được mục tiêu, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của TCty đến năm 2015 và định hướng đến năm 2010. Đánh giá về thực trạng chung sử dụng lao động, một cán bộ chính sách CĐXDVN cho rằng: Áp lực giải quyết việc làm ổn định cho lao động ngành Xây dựng thời lạm phát không nhiều và đây là thời điểm tốt nhất để các DN xây dựng, điều chỉnh chiến lược phát triển nhân lực cũng như tiêu chí tuyển dụng lao động chất lượng hơn. |
Cơ hội tuyển dụng lao động ngành Xây dựng
1