Trong tương lai, Cụm cảng hàng không (CHK) sân bay quốc tế Long Thành đóng vai trò là một trung tâm kinh tế, hoặc là một thành phố. Khu vực lõi trung tâm có các hành lang tổ hợp dịch vụ hàng không; là cửa ngõ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; cũng như đóng vai trò đầu mối giao thông đa phương thức, liên kết tất cả các hoạt động liên quan đến sân bay. Khi hình thành và đi vào hoạt động, Cụm cảng hàng không Long Thành sẽ là điển hình của một hình thái đô thị mới với nhiều chức năng hoạt động mới… Cụm CHK sân bay quốc tế Long Thành do Sở Xây dựng Đồng Nai là chủ đầu tư; Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn Việt Nam và Công ty Hansen Partnership (Australia) tư vấn thiết kế vừa được giới thiệu trên cơ sở hướng tới hình thành “thủ phủ” hàng không ngang tầm với các sân bay lớn trên thế giới.
Theo đơn vị tư vấn thiết kế, Cụm CHK sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ được xây dựng 8 khu chức năng bao gồm: Văn phòng, bãi đỗ xe (cửa ngõ Tây Nam sân bay); kho tàng, trung tâm trung chuyển và kho hàng bảo quản đông lạnh (hướng Tây Bắc sân bay); khu chế biến và luân chuyển hàng hóa trong thời gian ngắn (hướng Tây Nam); khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng… (hướng Bắc); khu phi thuế quan, chế biến, luân chuyển hàng hóa (Đông Bắc); tái định cư kế cận khu phi thuế quan (Đông Bắc); cảnh quan vui chơi giải trí, sân golf, du lịch (Đông Nam); khu đất trồng cây công nghiệp, nông nghiệp dự trữ sau năm 2025 (Đông Nam và Nam)… Tổng diện tích quy hoạch khoảng 10.000ha. Trong đó, nhu cầu sử dụng năm 2025 là trên 3.800ha, năm 2050 là gần 8.000ha. Riêng khu vực bên trong sân bay có diện tích 5.000ha. Lãnh đạo Công ty Hansen Partnership khẳng định, khả năng phát triển của Cụm CHK sân bay quốc tế Long Thành không có giới hạn, bởi chiến lược phát triển cụm CHK bền vững dựa trên 3 tiêu chí: môi trường, xã hội và kinh tế. Một trong những nguyên lý hình thành Cụm CHK Long Thành chính là đảm bảo được hệ sinh thái tự nhiên. Mặt khác, hệ thống giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không là một chuỗi liên kết hợp lý. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở trong và ngoài sân bay sẽ được xây dựng đảm bảo an toàn và chất lượng. Các tổ hợp như trung tâm kinh doanh, thương mại tổng hợp; khu vực giáo dục đạt chất lượng; hệ thống thông tin công cộng và quản lý trí thức đáp ứng nhu cầu phát triển của từng giai đoạn; không gian thiết kế bền vững cả về hình thái đô thị, phát triển kinh doanh thương mại cũng như công nghiệp… Đối với hoạt động thương mại tập trung, các hình thức kinh doanh được tổ chức chuyên môn hóa theo từng ngành, lĩnh vực, nhằm tạo được tiềm năng trong các hoạt động giao dịch ở một sân bay tầm cỡ quốc tế. Do đó, lợi ích về kinh doanh thương mại, dịch vụ tập trung trong cụm CHK sẽ cải thiện thông tin thị trường với hiệu quả nhanh nhất; khả năng tiếp cận đa dạng và phong phú; mô hình kinh doanh đầu tư phù hợp, hiện đại… Cũng theo Hansen Partnership, trong tương lai, khu vực quanh vùng sân bay sẽ trở thành trung tâm của một thành phố hoàn chỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu hoạt động của một sân bay hàng đầu thế giới. Mục tiêu là khai thác tối đa cơ hội phát triển kinh tế từ Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh hưởng và mối liên kết vùng của Cụm CHK sân bay quốc tế Long Thành sẽ tác động mạnh đến các khu vực khác để cùng nhau phát triển lâu dài như: TP. Biên Hòa, Khu đô thị Tam Phước, TP. Nhơn Trạch, TP. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu… Theo dự báo của Công ty Hansen Partnership, hàng không thế giới sẽ đạt 8,2 tỷ hành khách trong giai đoạn đến năm 2020, đồng thời lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không cũng sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2020. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tập trung ở khu vực châu Á. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, nên hướng trung chuyển hành khách và hàng hóa trong tương lai là tất yếu. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, Sân bay quốc tế Long Thành sẽ phục vụ khoảng 80-100 triệu hành khách cùng khoảng 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Về mặt dân số, ước tính tại khu vực cụm cảng sẽ có khoảng 230 ngàn dân vào năm 2020, và 770 ngàn vào năm 2050. Đến năm 2050, cụm CHK sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 500 ngàn lao động, tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất, phục vụ trong bệnh viện quốc tế, trường đại học quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm thể thao trong nhà và dưới nước, bảo tàng và trưng bày nghệ thuật… Dự kiến chỉ riêng cụm cảng này nếu hoạt động đúng công suất sẽ có thể đóng góp 3% GDP cả nước. (Theo KTVN) |