Đà Nẵng: Một dự án trì trệ kéo dài





Đã gần 6 năm Dự án Khu đô thị Thuỷ Tú được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết và hơn 1 năm rưỡi điều chỉnh quy hoạch từ 401ha xuống còn 59,48ha, thế nhưng tiến độ thực hiện dự án này vẫn rất chậm.


Đến nay, việc giải toả đền bù mới đạt hơn 50% (33ha). Diện tích còn lại việc giải toả gặp không ít vướng mắc. 23 hộ có hồ nuôi tôm thuộc dự án 773 kiên quyết không nhận tiền đền bù do chưa thoả mãn với việc áp giá của cơ quan chức năng. Hơn 20ha vùng nuôi tôm công nghiệp chưa có quyết toán các hạng mục từ dự án trước. 4 hộ sát chợ Nam Ô thuộc diện giải toả mở đường vào khu đô thị này chưa chịu bàn giao mặt bằng gây cản trở cho việc thi công, mặc dù chợ Nam Ô đã giải toả từ lâu. Đền bù giải toả bàn giao mặt bằng theo kiểu “da báo” dẫn đến chủ đầu tư bó tay trong việc xác lập chủ quyền trên vùng dự án (cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).


 

Hiện tại các hộ có hồ nuôi tôm chưa nhận tiền đền bù lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Triển khai nuôi tiếp không hiệu quả do dự án đã triển khai san lấp mặt bằng phía ngoài phá bỏ hết hệ thống cấp thoát nước cho hồ tôm. Bỏ trống ao không nuôi thì không có thu nhập, đời sống khó khăn mà chuyển đổi ngành nghề chưa có kinh phí. Đối với chủ đầu tư, việc đền bù triển khai trì trệ không thể triển khai các hạng mục theo kế hoạch.


Đúng ra việc giải toả đền bù tại dự án này triển khai thuận lợi và nhanh gọn bởi khu vực cần giải toả chỉ là các ao tôm và đất trống thuộc dự án 773 và nuôi tôm công nghiệp Liên Chiểu hình thành trước đó. Trong khi dự án nuôi tôm công nghiệp do quận Liên Chiểu quản lý từ ngày triển khai, việc đền bù không mấy khó khăn. Tuy vậy, đến nay tại khu vực này việc đến bù giậm chân tại chỗ.


Tại dự án 773, việc giải toả đền bù rối như canh hẹ. Công bằng mà nói, tại khu vực này việc xác định nguồn gốc đất khá phức tạp. Có hộ khai phá đất hoang lập hồ tôm từ đầu những năm 90 thế kỷ trước được công nhận là chủ sử dụng hợp lý theo NĐ 64 CP. Có khu vực ao tôm là của HTX cho một số hộ nhận khoán. Việc nhận khoán này qua nhiều giai đoạn. Tiếp theo đó là dự án 773, các ao tôm đã đưa vào dự án từ năm 1999. Hầu hết hộ có hồ tôm tại đây không có giấy tờ xác định chủ sử dụng hợp pháp. Đó là chưa loại trừ một số hộ dân muốn trục lợi gây khó cho cơ quan chức năng trong việc giải toả đền bù đưa ra các yêu sách đòi hỏi không hợp lý.


Mặc dù đã điều chỉnh quy hoạch chỉ còn gần 60ha, nhưng Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS), đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc giải toả đền bù để thi công các hạng mục theo kế hoạch.


Ông Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng của công ty này cho hay: Sự đòi hỏi của người dân có khi không có cơ sở gây khó khăn cho việc giải tỏa. Hiện tại, 23 hộ có ao tôm trên vùng dự án đưa ra nhiều đòi hỏi mà chủ đầu tư khó chấp nhận. Tính đến nay, công ty đã đầu tư cho dự án hơn 100 tỷ đồng bao gồm san lấp mặt bằng 10 ha, trả tiền đất và đền bù giải toả.


Theo kế hoạch, việc đền bù tại dự án 773 phải dứt điểm vào cuối tháng 9 tới, phấn đấu đến cuối năm nay xác lập quyền sử dụng đất trên vùng dự án. Để công tác đền bù số còn lại thuận lợi, công ty kiến nghị Hội đồng đền bù tiến hành họp 23 hộ dân có ao tôm tại dự án 773 nhằm giải quyết các vướng mắc. Đối với dự án nuôi tôm công nghiệp, cơ quan chức năng của thành phố sớm quyết toán định giá các hạng mục đã đầu tư để công ty tiến hành chi trả…


Ông cũng cho biết thêm, việc giải toả do Ban Giải toả đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 triển khai, công ty chịu trách nhiệm chi tiền. Đầu năm nay đã chuyển 3 tỷ đồng, hiện vẫn còn khoảng 800 triệu chưa chi trả.


Về việc này, chúng tôi được bà Lê Thị Thu Diệp, kế toán trưởng của Ban giải toả đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 cho biết: Quả đúng có số tiền đang đọng chưa chi trả hết. Tồn tại này do một số hộ dân không chịu nhận tiền theo thông báo. Người dân không chịu nhận thì không thể chi trả được.


Nhằm giải toả khó khăn cho người dân và cả chủ đầu tư, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các hộ dân có ao tôm trên vùng dự án có sự hợp tác chặt chẽ giải quyết rốt ráo những vướng mắc để dự án thực hiện đúng kế hoạch.


(Theo CAND)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *