Mới đây, trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Nhiên liệu Thay thế thuộc Đại học Đà Nẵng đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Gas Đô thị tổ chức hội thảo với chủ đề “Quy hoạch phát triển hệ thống cấp Gas đô thị – Giải pháp góp phần xây dựng Đà Nẵng – thành phố vì môi trường”.
Theo GS.TS Khoa học Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng – chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh dầu mỏ đang cạn kiệt dần và dự báo của các cơ quan năng lượng có uy tín trên thế giới cho biết với tốc độ khai thác như hiện nay, dầu mỏ sẽ cạn kiệt trong 40 năm, khí thiên nhiên trong 70 năm và than đá trong 200 năm; ô nhiễm môi trường không khí đô thị đang trở thành vấn nạn của các thành phố lớn, vấn đề sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế đang được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Sử dụng khí dầu mỏ hoá lỏng trong giai đoạn trước mắt và khí thiên nhiên trong tương lai để thay thế dần dầu mỏ được xem là giải pháp hữu hiệu nhất, mang tính chiến lược lâu dài, giải quyết cả 2 vấn đề: Năng lượng và môi trường cho con người. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng, nguồn cung cấp, hệ thống công nghệ và hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng khí thiên nhiên (CNG), khí dầu mỏ hoá lỏng (LpG) đem lại, việc đầu tư xây dựng hệ thống gas đô thị cho thành phố Đà Nẵng được nhóm nghiên cứu dự kiến xây dựng phát triển qua 4 giai đoạn từ nay đến năm 2050. Bao gồm: phát triển hệ thống mạng lưới phục vụ cung cấp LpG cho các khu đô thị, khu công nghiệp; phát triển các trạm nạp nhiên liệu LpG kiểu di động trong thành phố cho các phương tiện vận tải dùng LpG; phát triển hệ thống mạng lưới phục vụ cung cấp CNG song song với hệ thống cung cấp LpG; xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp khí thiên nhiên (cảng tiếp nhận, kho chứa, tuyến ống cung cấp…); phân phối khí thiên nhiên thấp áp trong toàn thành phố. Hiện nay ở nước ta trung bình cứ 4 người dân có một chiếc xe gắn máy, do phần lớn các xe gắn máy đều sử dụng phương pháp tạo hỗn hợp bằng bộ chế hoà khí nên chúng có mức độ phát thải ô nhiễm cao. Giải pháp hữu hiệu nhất để giảm mức độ phát thải của các phương tiện này là sử dụng nhiên liệu khí. Với tỷ giá gas và xăng như hiện nay, nhờ công nghệ ứng dụng nhiên liệu khí, khi chạy bằng khí dầu mỏ hoá lỏng người tiêu dùng tiết kiệm được 32% giá nhiên liệu và phát thải CO2 giảm 34% so với khi sử dụng xăng. Nếu áp dụng tỉ giá khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu khí như các nước phát triển, người tiêu dùng có thể lợi đến 54% giá nhiên liệu khi sử dụng khí dầu mỏ hoá lỏng. Để thực hiện được đó, cần khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trạm cấp gas, giảm giá gas từ giá bán lẻ hiện nay đến giá khuyến khích theo tỷ giá gas và xăng của các nước phát triển. |
Đà Nẵng quy hoạch phát triển hệ thống cấp Gas đô thị
6