Năm nay các trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Hồng Bàng, CĐ Xây dựng số 2… khoa xây dựng, kiến trúc vẫn nằm ở top trên, điểm tuyển tương đối cao từ 17 – 22 điểm. Hầu hết các khoa này không tuyển nguyện vọng 2 do nguyện vọng 1 đã đủ thí sinh. Liên kết mới trong giảng dạy Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM hiện có 10 khoa, đầu vào tương đối ổn định, năm nay khoảng hơn 9.000 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ khoảng 1 chọi 7 trong đó những khối năng khiếu chất lượng ngày càng tăng như khoa kiến trúc công trình có điểm chuẩn là 22 không nhân hệ số. ĐH Kiến trúc TP.HCM được biết đến là một cái nôi đào tạo những KTS, KS cho khu vực phía Nam, trường luôn chú ý đầu tư, đổi mới chất lượng cũng như chương trình giảng dạy để sinh viên khi ra trường bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Ông Ninh Quang Thăng – Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Bắt đầu từ năm 2009, Trường sẽ triển khai dạy đại trà với chương trình tín chỉ cho sinh viên năm nhất. Chương trình này đã được ứng dụng từ năm 2007, để học tốt chương trình mới này cả thầy và trò đều phải nỗ lực rất nhiều, quyền chủ động thuộc về sinh viên và chính họ sẽ là trung tâm, họ được quyền lựa chọn cách học, thời gian học, giảm thời gian đến lớp và tăng thời gian tự học, người thầy ở đây chỉ dạy cách tiếp cận kiến thức. Sinh viên có thể lấy cùng một lúc hai bằng nếu có khả năng. Đối với sinh viên năm thứ hai trở lên vẫn học theo chương trình cũ và dần dần sẽ chuyển đổi theo chương trình tín chỉ. Tuy nhiên với cơ sở hạ tầng hiện nay của trường cũng là một vấn đề khó vì phòng ốc ít, thư viện chật chội”. Hiện nay trường liên kết với trường CĐ Xây dựng Miền Tây để hỗ trợ đào tạo nhân lực cho vùng ĐBSCL. Năm nay ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp lấy 400 chỉ tiêu và ngành Kiến trúc công trình có 225 chỉ tiêu trong đó dành 150 chỉ tiêu cho khu vực ĐBSCL với điểm tuyển 15. Tuy nhiên nguyện vọng 1 của khu vực này chưa đủ và trường đang xét tuyển nguyện vọng 2 đây là cơ hội cho những thí sinh ở KV3 có điểm chuẩn 17. Ngoài ra trường còn liên kết với trường ĐH Swinberne (Australia) đào tạo ngành Mỹ thuật công nghiệp, ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp học tại Việt Nam và Australia với thời gian là 4 năm. Bất cập với chương trình đào tạo nghề Tuy vậy, bên cạnh đó lực lượng công nhân ngành Xây dựng lại chưa được chú ý đào tạo nhiều. Hầu hết công nhân hiện nay không được đào tạo bài bản. Trường CĐ Xây dựng số 2 là một cái nôi đào tạo những người thợ xây dựng, hiện hệ trung học có 4 khoa nghề như điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng, cốt pha – giàn giáo, cốt thép – hàn chỉ xét tuyển học sinh hết lớp 12 nhưng hầu như không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng cơ chế lại không thoáng để trường hấp dẫn nhiều sinh viên đến với khoa nghề hơn do Bộ chưa cho cấp hai bằng một lúc cho hệ trung cấp. ThS Chu Văn Quyết, Hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 2 cho biết: “Hiện nay sinh viên hệ trung cấp muốn học thêm nghề vào buổi tối để có tay nghề vững vàng hơn trong 2 năm theo học thì lại không được cấp hai bằng khi tốt nghiệp. Mặc dù chương trình đem lại rất nhiều lợi ích giúp sinh viên vừa có lý thuyết và thực tiễn, rất nhiều sinh viên khi ra trường được nhiều doanh nghiệp chào đón, thậm chí có người trong thời gian ngắn có thể đứng ra nhận nhà tư để làm vì trong quá trình học đã tiếp xúc nhiều với công trình xây dựng. Bên cạnh đó đầu vào cũng là một vấn đề “đau đầu”, trường tổ chức khoa nghề học buổi tối nhưng chưa thu hút được nhiều người, do tâm lý cho rằng không cần qua trường lớp cũng có thể làm được việc”. Một thực tế khác là rất nhiều công nhân xây dựng tự “trưởng thành” bằng cách đi theo nhau làm thợ, vừa làm vừa học. Nhiều người sau đó cũng trở thành cai thầu, dù không có bằng cấp. Anh Nguyễn Văn Tèo, công nhân xây dựng, quê Bến Tre có thâm niên gần 10 năm trong nghề tâm sự: “Bước vào nghề này cũng tình cờ do ở quê hết mùa vụ bạn bè rủ lên Sài Gòn làm thợ hồ. Lúc đầu chưa biết thì làm thợ phụ, sau đó tay nghề lên thì làm thợ chính, có qua trường lớp nào dạy đâu mà tôi vẫn làm tốt”. Ông Võ Trọng Nhân, chủ thầu xây dựng than thở: “Tìm được một người thợ biết đọc bản vẽ, biết tính sắt thép, kết cấu đúng như là mò kim đáy bể. Họ phần nhiều chỉ biết những công việc đơn thuần như xây, trát, nếu có thâm niên thì tay nghề khéo léo hơn”. |
Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng
5