Ngày 9/4, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã chủ trì hội thảo góp ý cho dự thảo luật Quy hoạch đô thị (QHĐT). Các ý kiến của của các đại biểu sẽ được Hội tổng hợp và gửi đến Uỷ ban kinh tế của Quốc Hội. Dự kiến, dự thảo luật QHĐT sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp Quốc hội trung tuần tháng 5 tới đây.
Ông Đào Ngọc Nghiêm – đại diện cho Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam báo cáo tổng hợp các ý kiến đóng góp. Theo đó các ý kiến gửi đến Hội đã tập trung vào 17 vấn đề. Trong đó, vấn đề đầu tiên đề cập chính là tên của Luật. Một số đại biểu đặt câu hỏi tại sao dự luật chỉ xác định phạm vi điều tiết là quy hoạch đô thị mà không bao gồm cả quy hoạch nông thôn? Nội dung của dự luận nên quy định đầy đủ các loại quy hoạch xây dựng như quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị để thay thế chương II luật Xây dựng. Một vấn đề khác cũng có nhiều ý kiến đóng góp là năng lực tư vấn. Các đại biểu thống nhất cần có chứng chỉ hành nghề, không chỉ cho cá nhân mà cả tổ chức. Và cần phải cụ thể điều kiện người nước ngoài được nghiên cứu lập quy hoạch. Trong dự thảo nêu tư vấn nước ngoài phải được cơ quan Việt Nam công nhận là chưa rõ. Nhiều nước cũng có chứng chỉ hành nghề vậy có được chấp thuận ở Việt Nam không, hay phải xem xét công nhận lại? Theo các đại biểu để tạo bình đẳng giữa tư vấn trong và ngoài nước, đề nghị làm rõ hơn. Vấn đề được tranh luận nhiều trong các kỳ dự thảo và đến nay vẫn còn nhiều tồn tại là về Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng thành phố (KTST). Có 5 luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất, cần có KTST nhưng đó chỉ là chức danh cá nhân tư vấn cho chủ tịch đô thị. Ý kiến thứ hai, KTST và Hội đồng Kiến trúc quy hoạch phải được phân biệt rõ, không để trùng lặp như dự thảo nêu. Ý kiến thứ ba cho rằng không nên có chức danh KTST trong điều kiện của Việt Nam hiện nay. Ý kiến thứ tư, nên gắn KTST với chức danh người đứng đầu cơ quan quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị đồng thời làm chủ tịch Hội đồng Kiến trúc quy hoạch. Ý kiến cuối cùng, không đưa quy định về KTST vào dự thảo luật. Các ý kiến cho rằng phải làm rõ thành phần của hội đồng kiến trúc quy hoạch với quy định đa số phải là các nhà chuyên môn. Ông Nghiêm cho biết thêm, trước đó, UBND TP Hà Nội đã có công văn đề nghị bỏ điều quy định về KTST trong dự thảo luật và đề nghị Chính phủ cho tiếp tục triển khai thí điểm mô hình KTST tại Hà Nội và TP.HCM. Báo cáo tổng hợp còn đề cập đến một số nội dung khác như đề nghị bỏ quy định Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị đặc biệt, đô thị mới mà Bộ chỉ nên là cơ quan thẩm định, giúp chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch đô thị. Về nội dụng lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho đồ án quy hoạch đô thị, các đại biểu cho rằng cần phải có quy định về phản hồi ý kiến đã đóng góp. Hơn thế, các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp và được xem là văn bản cần thiết phải có trong hồ sơ trình duyệt. Đặc biệt, các ý kiến cũng lưu ý xem xét lại phân loại quy hoạch hạ tầng, tách các vấn đề năng lượng, chiếu sáng, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn… riêng, không ghép như dự thảo. Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cấp thẩm định và phê duyệt bao gồm hội đồng thẩm định, người trình và người duyệt đồ án quy hoạch. Cuối cùng, các đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn nội dung điều chỉnh quy hoạch đô thị nhằm tránh sửa đổi quy hoạch tuỳ tiện, tiếp tay cho việc xin – cho như hiện nay. Vấn đề thanh tra, xử lý vi phạm cũng cần được bổ sung. Theo dự thảo, khi phát hiện sai phạm song không biết phải xử lý như thế nào. Đến dự hội thảo với tư cách là trưởng ban soản thảo luật QHĐT, ông Trần Ngọc Chính đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cần nhanh chóng tập hợp để sớm báo cáo Uỷ ban kinh tế của Quốc hội. Đồng thời ông Chính phân tích 2 nội dung được nhiều đại biểu đề cập là tên, pham vi điều chỉnh của dự luật và mô hình KTST TP. Theo ông Chính, sở dĩ dự thảo luật gói gọn xem xét, tập trung giải quyết các vấn đề của đô thị vì tốc độ đô thị hoá của Việt Nam hiện nay rất cao, các vấn đề nảy sinh của đô thị đang ngày càng nóng bỏng cần sớm có luật điều tiết. Nếu tham vọng ôm đủ tất cả các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn thì sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nghiên cứu, biên soạn. Về mô hình KTST, theo ông Chính, với tốc độ đô thị hoá rất nhanh hiện nay, các đô thị từ loại III trở lên đều cần có KTST để quản lý phát triển hiệu quả hơn. Tuy nhiên mô hình KTST cụ thể như thế nào thì sẽ tiếp tục bàn theo hai hướng. Thứ nhất, KTST sẽ tồn tại song song với Sở Quy hoạch kiến trúc. Hướng thứ hai, chuyển đổi một số chức năng của sở Quy hoạch kiến trúc cho KTST… |
Đề nghị làm rõ hơn 17 vấn đề của dự thảo Luật QH đô thị
139
Bài trước