Trang chủ » Định hình diện mạo mới cho Thủ đô

Định hình diện mạo mới cho Thủ đô

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội (dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét vào kỳ họp giữa năm nay) là một trong những văn bản đang được người dân cả nước, nhất là người dân Hà Nội chờ đợi. Hiện tại, tư vấn nước ngoài (Liên danh quốc tế ppJ) đã báo cáo Chính phủ lần thứ 3 về nội dung đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Dự kiến, tư vấn sẽ hoàn thiện đồ án, hồ sơ trình thẩm định trước ngày 31-1-2010 để chính thức báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2-2010.


Đô thị mới Linh Đàm do Tập đoàn HUD làm chủ đầu tư (baoxaydung.vn)

Hà Nội những năm… 2050

Việc Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8-2008 đã tác động sâu sắc tới thị trường bất động sản phía Bắc trong suốt gần 2 năm qua và hiện tại vẫn còn những dự án đang phấp phỏng chờ đợi, bởi lẽ quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội còn chưa được chính thức phê duyệt.

Những năm qua, đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh hướng phát triển về mặt đô thị của Hà Nội. Vì thế, một quy hoạch chung về xây dựng trong nhiều năm tới, sẽ là lời giải cho những tranh cãi đó. Nhất là khi Hà Nội đang sắp kỷ niệm 1.000 năm tuổi của mình…

Khác với lần điều chỉnh quy hoạch cách đây 12 năm (năm 1998), Hà Nội ngày nay đã rộng ra gấp 3,6 lần với quy mô dân số tăng hơn 2 lần. Tuy bản quy hoạch chưa được chính thức thông qua, nhưng tại Thông báo số 348/TB-VpCp, Thủ tướng đã chỉ đạo, về không gian, phương án quy hoạch được đề xuất lựa chọn phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, hạn chế việc di dời dân cư và thể hiện chi tiết hơn tỷ lệ sử dụng đất của đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, khu vực cây xanh và khu vực nông thôn.

Đặc biệt, đối với khu vực trung tâm, phải nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ; dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.

Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo, cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như mật độ xây dựng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh…

Các chuyên gia trong ngành dự báo, ngay trong năm nay, nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư ở khu trung tâm Hà Nội sẽ phải tự điều chỉnh độ cao, chứ không thể “chồng tầng” thoải mái! Đây là yêu cầu tất yếu để hạn chế tối đa ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng. Theo các nhà nghiên cứu, khi quy hoạch nói trên chính thức được phê duyệt, Thăng Long – Hà Nội, sau nhiều năm “trăn trở” sẽ có một diện mạo mới. Bởi bản quy hoạch này được xây dựng với tầm nhìn đến 2050.


phương án C2 trong Báo cáo lần 3 (nguồn : Hanoi Data + Ashui.com)

Vành đai xanh và đô thị lõi

Liên quan tới phát triển đô thị cho Hà Nội trong những năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, tỷ lệ đất xây dựng đô thị khoảng 30%. Vạch ra một định hướng lớn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng cho rằng, cần khuyến khích các dự án đầu tư đồng bộ, các khu nhà cao tầng tại các khu đô thị mới giữa vành đai 3 và vành đai 4 và các đô thị vệ tinh để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, giảm tải cho đô thị trung tâm. Khu vực này (Từ Liêm, Hoài Đức, Đan phượng, Hà Đông, Thanh trì…) đã có hàng trăm dự án bất động sản quy mô lớn đang được triển khai.


Khu nhà, vườn mới hình thành tại huyện Thạch Thất Hà Nội (baoxaydung.vn)

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm trước đây khi phát triển đô thị ở các quận nội thành như Cầu Giấy, Thanh Xuân, bài toán giao thông phải được tính kỹ ngay từ đầu. Do đó, cần ưu tiên xây dựng các vành đai giao thông đối ngoại (vành đai 4), vành đai liên kết các đô thị vệ tinh (vành đai 5), các tuyến đường vành đai xanh để kết nối các khu đô thị (giữa vành đai 3 và 4, vành đai 4 và 5), các dự án xây dựng cầu lớn qua sông Hồng cũng như các dự án về hạ tầng giao thông khác.

Cùng với đó là yêu cầu quản lý nghiêm ngặt việc đầu tư xây dựng ngoài vành đai 4 để bảo vệ vành đai xanh của thủ đô. trong giai đoạn trước mắt, sẽ nghiên cứu quy hoạch trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước tại khu vực Mỹ Đình. Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục nghiên cứu kỹ quy mô, phạm vi khu vực bố trí trung tâm hành chính trong tương lai (tầm nhìn đến năm 2050) để đầu tư xây dựng khi có điều kiện.

Như vậy, sau nhiều lần cân nhắc, điều chỉnh, trung tâm hành chính quốc gia được xác định nằm ngoài vành đai 3 nhưng thuộc khu vực phát triển đô thị mạnh nhất của Hà Nội hiện nay. trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cung cấp thông tin: “Dự thảo quy hoạch mới nhất đã chỉ ra, ở phía Nam sông Hồng tới hành lang sông Đáy, lõi đô thị trung tâm về đến sông Nhuệ. Ngoài sông Nhuệ đến sông Đáy là đô thị vành đai, ôm bọc lấy phần lõi. Còn phía Bắc là dải các đô thị, gồm Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, trừ Sóc Sơn là vệ tinh”. Ông Thảo cũng khẳng định sẽ đảm bảo cho Hà Nội tổng diện tích những vùng xanh ít nhất là 62%.

Dự kiến, tháng 5-2010, Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện công tác lập quy hoạch chung xây dựng Hà Nội với Quốc hội. Từ nay tới thời điểm đó, sẽ còn những điều chỉnh nhất định. Người dân thành phố hy vọng, bản quy hoạch mới sẽ là bộ lọc tốt, gạt bỏ ra những gì đã lỗi thời, để thủ đô thực sự “xanh, văn hiến – văn minh và hiện đại”.

You may also like

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Chúng tôi thực hiện sứ mệnh kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, cùng nhau xây dựng một nền kiến trúc bản địa vững mạnh, hòa nhập với dòng chảy quốc tế. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành cùng giới kiến trúc, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.