Trang chủ » Định hướng phát triển giao thông Hà Nội: Sẽ xây dựng 7 cầu mới và 1 hầm qua sông Hồng

Định hướng phát triển giao thông Hà Nội: Sẽ xây dựng 7 cầu mới và 1 hầm qua sông Hồng

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Nhận định về hiện trạng giao thông của Hà Nội, trong nghiên cứu đồ án quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và  tầm nhìn đến năm 2050, Liên danh tư vấn quốc tế ppJ nhận định: Mạng lưới giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Các dự án phát triển hệ thống giao thông hoặc còn thiếu hoặc triển khai xây dựng rất chậm. Hệ thống đường sắt có công nghệ lạc hậu, chiếm tỷ trọng quá nhỏ so với tổng nhu cầu vận tải. Tỷ trọng vận tải đường thủy thấp so với tiềm năng do chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên. Giao thông đô thị đang bị quá tải nặng nề, tỷ lệ đáp ứng về vận tải hành khách công cộng rất thấp, chỉ đạt 15%  so với tiêu chuẩn 40 – 60%.


Hà nội sẽ đầu tư xây dựng nhiều tuyến vành đai để giảm áp lực giao thông quá cảnh qua nội đô.

Nhằm khắc phục thực trạng trên, ppJ đề xuất: Về đường bộ, Hà Nội sẽ cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông đường bộ hiện hữu gồm các tuyến QL, tỉnh lộ hướng tâm về đô thị lõi lịch sử và đường vành đai, xây dựng các tuyến song hành trên các hướng tuyến chính như QL32, đường Láng – Hòa Lạc, QL6, QL1A, 1B, QL5, QL3 nhằm chia sẻ sự quá tải cho các tuyến hướng tâm này. Đối với các tuyến vành đai, Hà Nội sẽ hoàn thiện tuyến vành đai IV, vành đai V, các tuyến cao tốc dọc các hành lang kinh tế quan trọng và kết nối các đô thị đối trọng với Thủ đô Hà Nội. trong đó, tuyến đường vành đai IV là đường vành đai ngoài của đô thị hạt nhân. Đồng thời, Hà Nội sẽ xây dựng mới 7 cầu, 1 hầm qua sông Hồng, xây dựng hệ thống các nút giao cắt khác mức và cải tạo hệ thống các bến, bãi đỗ xe đầu mối.

Về đường sắt, Hà Nội sẽ cải tạo, xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường sắt vành đai song song theo hành lang vành đai IV, xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và 5 tuyến đường sắt đô thị (theo dự án đường sắt đô thị của Tp Hà Nội cũ) kết hợp xây dựng mới các tuyến đường sắt phục vụ ngoại ô, kết nối với hệ thống đường sắt nội đô và quốc gia thông qua các ga đầu mối.

Về đường hàng không, Hà Nội sẽ tập trung nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài lớn nhất phía Bắc, đạt 50 triệu  hành khách/năm sau năm 2030 và sân bay Gia Lâm phục vụ nội địa tầm ngắn.

Về đường thuỷ, sẽ khơi thông luồng lạch nhằm khai thác tối đa các tuyến sông Hồng và các tuyến đường thuỷ kết nối trực tiếp với cụm cảng biển cửa ngõ Hải phòng và Quảng Ninh. Cùng với đó, Hà Nội cải tạo các sông Đáy, sông Tích nhằm phục hồi các tuyến đường thủy phục vụ du lịch và nông nghiệp trên các sông này, nâng cấp, xây dựng hệ thống các cảng sông khu vực Hà Nội, Sơn Tây, liên kết với các cảng của tỉnh Vĩnh phúc, Hoà Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam.

Đồ án QHC cũng đặc biệt chú trọng đến định hướng phát triển giao thông đô thị. Cụ thể, đô thị hạt nhân sẽ phấn đấu đạt chỉ tiêu mật độ mạng lưới đường chính cấp Tp 3 – 5km/km2, tỷ lệ đất giao thông đạt 20 – 26%, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 45 – 55%, mạng lưới giao thông công cộng đạt 2 – 3km/km2. Đối với trung tâm hiện hữu, Hà Nội hoàn thiện tuyến vành đai 2, vành đai 3, xây dựng các tuyến đường 2 tầng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực khó có điều kiện mở rộng hoặc nâng cấp đường. Đối với chuỗi đô thị mới từ vành đai 3 đến vành đai 4, sẽ xây dựng mới tuyến vành đai 3,5 kết nối các đô thị mới theo hướng bắc – nam và các nút giao cắt khác mức trên các đường trục chính đô thị. Cũng theo đồ án QHC, Hà Nội sẽ kiểm soát và dành đủ quỹ đất để bố trí hệ thống bến bãi đỗ xe và phát triển hệ thống đường sắt vận tải hành khách khối lượng lớn (UMRT) kết hợp với mạng lưới xe buýt nhanh tạo thành mạng lưới liên hoàn, hiệu quả và xây dựng 7 tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối đô thị hạt nhân với các đô thị vệ tinh.

Đối với các đô thị vệ tinh sẽ tăng cường vận chuyển hành khách bằng giao thông công cộng và xây dựng hệ thống tàu điện ngầm khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào để kết nối với hệ thống đường sắt công cộng ngoại đô, giảm tải giao thông cá nhân. Giao thông ngoại ô sẽ sử dụng các tuyến quốc lộ và đường cao tốc hướng tâm hiện hữu kết nối đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm như QL32, Láng – Hoà Lạc, QL6, QL1A, đường cao tốc Bắc Nam, QL3, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và xây dựng mới các tuyến tây Thăng Long, trục Thăng Long nối tiếp từ đường Hoàng Quốc Việt đến đô thị Hoà Lạc, tuyến Hà Đông – Xuân Mai, tuyến Ngọc Hồi – phú Xuyên, tuyến đường sinh thái nông nghiệp (trục Bắc – Nam cũ), tuyến Xuân Mai – Quan Sơn – Đại Nghĩa, tuyến Đỗ Xá – Quan Sơn và các tuyến dọc theo các sông sinh thái kết hợp du lịch và vận tải thuỷ.

Hãy giảm tải từ xa cho Hà Nội

Cùng đề cập đến nội dung giao thông trong đồ án QHC Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến (phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội) nhận định: Việc Thủ đô được mở rộng địa giới cộng thêm quy hoạch vùng được phê duyệt là điều kiện và cơ hội để Hà Nội giải quyết nhiều vấn đề bức bách bấy lâu nay trong đó phải kể đến giao thông. Gần 30 năm sau khi có quy hoạch, Hà Nội vẫn chưa khép kín được vành đai 3 (bao gồm cả bờ nam và bờ bắc sông Hồng). trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội của Hà Nội sẽ ở mức độ cao, mô hình phát triển cũng khác. Nếu như trước đây, phát triển giao thông chỉ trông chờ vào nguồn lực nhà nước, nay trong thời kinh tế thị trường các thành phần tham gia đầu tư xây dựng đường giao thông đa dạng hơn, với nhiều hình thức như BOT,  BT… trong tương lai, vành đai 3 tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có thêm nhiều tuyến vành đai như vành đai 3,5, vành đai 4 và 5… Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc đẩy nhanh triển khai tuyến vành đai 4 và 5 để kết nối các tỉnh trong Vùng Thủ đô. “Làm sớm được việc này ngày nào thì sẽ hạn chế được dòng giao thông quá cảnh qua Hà Nội ngày ấy. Đồng nghĩa với việc sẽ giảm ách tắc từ xa cho Hà Nội” – ông Chiến nói.

Cùng với đó, Hà Nội cũng có thể giảm sức ép cho trung tâm bằng cách hạn chế phát triển các KCN, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, thay vào đó tập trung phát triển các trung tâm công nghệ cao, kiểm soát được môi trường, các khu công nghệ sinh học có hàm lượng chất xám cao, công nghệ phần mềm, công nghệ vật liệu mới. Đồng thời, theo quy hoạch, Hà Nội cũng sẽ giãn các trường đại học, các bệnh viện từ trung tâm ra các đô thị vệ tinh, chỉ giữ lại ở đô thị lõi các viện nghiên cứu hàn lâm, viện khoa học đầu ngành…

 

Worley parsons ủng hộ chính sách giao thông của ppJ

phản biện nội dung định hướng phát triển giao thông trong đồ án QHC Hà Nội, tư vấn Worley parsons đồng tình với chính sách giao thông của tư vấn ppJ là chuyển sang sử dụng hệ thống giao thông công cộng; nghiên cứu hệ thống đường cao tốc với chất lượng cao, tách ra khỏi hệ thống giao thông và ách tắc đô thị, nâng cao hiệu suất vận tải hàng hóa bằng cách từng bước tách chúng ra khỏi đường sá đô thị và khuyến khích phát triển hệ thống đường sắt vận chuyển hàng hóa từ việc khai thác nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa Hà Nội – Hải phòng và trung Quốc. Worley parsons cũng đồng tình việc lên kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cao tốc để phục vụ nhu cầu vận chuyển liên vùng và quốc tế.

Worley parsons gợi ý: Hà Nội nhanh chóng triển khai thực hiện các tuyến UMRT số 1, 2 và 3 để khuyến khích hạn chế sử dụng xe máy và lên kế hoạch phát triển tuyến NMRT số 4 để đem đến động lực phát triển đô thị giữa hai vành đai 3 và 4. Hà Nội xây dựng tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 nhằm đem lại hệ thống đường cao tốc hiệu quả hơn và bắc cầu đến khu vực bắc sông Hồng, cũng như liên kết các trung tâm đến Hà Nội và từ Hà Nội tỏa ra các trung tâm. Bên cạnh đó, Hà Nội cân nhắc xây dựng tuyến đường sắt phía đông để phát triển trục vận chuyển hàng hóa giữa nam và bắc Hà Nội, cải thiện kết nối với Hải phòng và trung Quốc. Ngoài ra, Hà Nội nên kéo dài tuyến UMRT số 3 để làm tiền đề cho phát triển thành phố vệ tinh Hòa Lạc. Cuối cùng, Hà Nội phát triển hệ thống vận tải đường sắt cao tốc chuyên chở hành khách tiếp cận đến các vùng hoạt động của mạng UMRT dọc theo hành lang và từ trung tâm Hà Nội, qua phía nam, nối dài tới Tp.HCM.

You may also like

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Chúng tôi thực hiện sứ mệnh kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, cùng nhau xây dựng một nền kiến trúc bản địa vững mạnh, hòa nhập với dòng chảy quốc tế. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành cùng giới kiến trúc, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.