Vào thời điểm này, USD đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp (DN) khi muốn vay vốn tại ngân hàng cho dù theo cảnh báo của các chuyên gia thì sự lựa chọn này hoàn toàn không có lợi cho nền kinh tế.
Lãi suất hấp dẫn
Dòng vốn USD đang được lưu thông khá mạnh trên thị trường, không chỉ các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đi vay USD mà nhiều DN sản xuất khác cũng đang chuyển hướng sang các khoản vay ngoại tệ này, bởi theo tính toán của họ thì vay USD “lợi hơn nhiều” so với vay VND. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 6-2010, tín dụng tăng khoảng 10,52%, nhưng tín dụng bằng VND chỉ tăng 4,6%, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 27%. Nguyên nhân do lãi suất vay ngoại tệ chỉ ở mức từ 5,5% đến 8%/năm, quá hấp dẫn đối với các DN vay USD. phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà Ðặng Minh Quang cho biết: Mặc dù ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay tiền đồng, nhưng thực tế lãi suất này vẫn còn khá cao đối với DN trong giai đoạn chống đỡ vượt qua khủng hoảng. Ông Quang tính toán, vay USD thời điểm này khá an toàn và có lợi hơn, nhất là với những khoản vay ngắn hạn.
Ðại diện Ngân hàng Sacombank, ACB đều cho biết, trong sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng USD của ngân hàng này cao hơn hẳn so với cho vay tiền đồng. Ðiều này cũng xảy ra tương tự ở các ngân hàng khác. Sự mất cân đối trong hoạt động tín dụng chủ yếu do lãi suất vay vốn tiền đồng đang ở mức cao so với khả năng chấp nhận của DN và vượt xa lãi suất vay vốn bằng ngoại tệ. Sau nhiều lần tuyên bố giảm, các ngân hàng đang cho vay VND với lãi suất từ 12,5% đến 14%/năm, trong khi lãi suất vay USD chỉ 5 đến 8%. Theo tính toán của TS Võ trí Thành, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, nếu tính lãi suất USD là 7%/năm, cộng với mức độ trượt giá 5%/năm thì khi DN vay USD đem bán để dùng tiền Việt thì giá vốn vẫn rẻ hơn so với vay VND.
trong thời gian vừa qua, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động USD nhằm thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ, khiến lãi suất huy động USD của nhiều ngân hàng cao hơn mức 5%/năm. Việc này, theo lý giải của một tổng giám đốc ngân hàng là do nhiều ngân hàng tăng mạnh cho vay USD trong thời gian qua và tới thời điểm này bị thiếu nguồn nên phải tăng cường huy động vốn bằng ngoại tệ.
Siết chặt cho vay bằng ngoại tệ
Theo Bộ Công thương, trong sáu tháng đầu năm, nhập siêu vẫn ở mức cao, ước khoảng 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu, trong khi mục tiêu kiềm chế nhập siêu là không quá 20%. Ðể hạn chế nhập siêu, Bộ Công thương đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay ngoại tệ đối với bốn mặt hàng gồm: thép (thép cán nguội khổ hẹp và thép cuộn), đường, muối và phân NpK.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ, hạn chế cho vay bằng ngoại tệ và cho vay bằng đồng Việt Nam mua ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục các mặt hàng thiết yếu trong nước đã sản xuất được. phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBANK) phạm Quốc Thanh cho biết: Ngân hàng này đang cân nhắc khi cho DN vay ngoại tệ vì e ngại rủi ro tỷ giá khiến họ không tìm được nguồn ngoại tệ để trả cho ngân hàng khi khoản vay đến hạn. Hiện ABBANK chỉ ưu tiên cho vay ngoại tệ đối với các DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ. Ngân hàng ACB cũng cho biết, để hạn chế cho vay ngoại tệ đối với những DN nhập khẩu những loại hàng hóa không thiết yếu, ACB không khuyến khích nhân viên tiếp cận những DN này đồng thời điều kiện vay vốn ngoại tệ của những DN này cũng cao hơn các DN khác. Ông Nguyễn Ðăng phương, phó Tổng giám đốc phụ trách về tài chính của Công ty thép Vạn Lợi cho rằng, thời điểm này, với những DN không có nguồn thu từ xuất khẩu cần tính toán kỹ trước khi vay vốn ngoại tệ. Nếu tỷ giá tăng đột biến thì chưa thấy lãi đã nhìn thấy lỗ. Hơn nữa, nếu ngoại tệ khan hiếm thì không biết lấy gì để trả nợ. Do vậy, DN cần thận trọng khi vay vốn bằng ngoại tệ.
Một số ngân hàng khác cũng đưa ra cảnh báo các DN muốn vay vốn USD thay VND hãy thận trọng và chỉ nên vay USD khi chính DN có nguồn thu USD từ các hợp đồng xuất nhập khẩu để có thể bảo toàn vốn khi thị trường có biến động. DN khi vay USD cần theo dõi sát biến động của đồng ngoại tệ này trên thị trường để khi cần thiết có thể chuyển đổi sang vay bằng VND nhằm tránh rủi ro. Mặt khác, ngân hàng cũng đưa ra khuyến cáo DN nên bỏ thêm chi phí để mua “bảo hiểm” qua việc dùng các công cụ phái sinh: hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, hợp đồng tương lai hoặc quyền chọn. Bên cạnh tác dụng là bảo hiểm rủi ro tỷ giá, thì việc sử dụng công cụ phái sinh cũng là hình thức đầu cơ mang lại lợi nhuận không nhỏ.
Việc người dân và nay là các DN quá “mặn mà” với đồng USD đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại đồng ngoại tệ làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính và nền kinh tế, làm gia tăng lạm phát. Một khi DN vay nhiều ngoại tệ, nhưng thật sự nguồn vốn cần không phải bằng ngoại tệ, trong khi họ không tạo ra được ngoại tệ, thì đến thời điểm trả nợ cho ngân hàng sẽ gây áp lực lên cầu ngoại tệ và ảnh hướng đến tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ tăng thực tế nhiều hay ít còn tùy thuộc vào khả năng điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy luật hằng năm, cầu ngoại tệ vào những tháng cuối năm bao giờ cũng tăng cao, tạo thêm sức ép tăng tỷ giá. Do đó, nếu quá “say mê” với cái lợi trước mắt, không ít DN sẽ rơi vào cảnh “tham đĩa, bỏ mâm”. Thực tế cho thấy, bài học biến động tỷ giá gần đây, nhất là cuối năm 2008, khi tỷ giá bất ngờ tăng thêm 2.000 đồng/USD chỉ trong thời gian ngắn vẫn còn nguyên tính thời sự. |
Doanh nghiệp nên cẩn trọng khi vay ngoại tệ
2