Trang chủ » Đường trên cao có là cao kiến cho giao thông Hà Nội?

Đường trên cao có là cao kiến cho giao thông Hà Nội?

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

LTS: Ý tưởng làm đường trên cao để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội đang được giới chuyên gia đô thị, các KTS bàn tán rôm rả. Khen cũng có mà lo cũng không ít. Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số góc nhìn khác nhau để quí vị tham gia thảo luận thêm.

Hết dưới đất giờ lại lên cao

Nhớ chuyện xưa, nghe Tào Tháo nói "phía trước có rừng mơ", thế là cả đội quân đông đảo bừng tỉnh, nước miếng tứa ra, họ quên đi cơn khát để vượt qua sa mạc đến nơi có giếng nước gần nhất. Chuyện ấy được lặp lại ở Hà Nội tháng 12/2006: giữa ngổn ngang ngưòi xe tắc cứng, một lễ khởi công tưng bừng depo tuyến tầu điện ngầm nổi đầu tiên ở Mai Dịch.

Sau ba năm mong ngóng, không thấy mét đường nào lại hay tin tư vấn tính lại với giá thành tăng 1,7 lần (từ 458 lên 782 triệu Euro = hơn 1 tỷ USD) do lượng khách tăng hơn, kích cỡ nhà ga và đoàn tàu sẽ lớn hơn, hệ thống cầu cạn, hầm, thông tin, tín hiệu… cũng tăng. Đoàn tàu gồm 5 toa (thay vì 4 toa như trước), kích cỡ lớn hơn. Nhà ga nổi xây 2 tầng (gồm cả tầng trung chuyển) trên tất cả các ga và đều được lắp thang máy, thang cuốn. Ga ngầm sâu hơn khoảng 10m.Qui hoạch tuyến, vị trí các  ga điều chỉnh cục bộ, đoạn ngầm kéo dài hơn 1,1km. Đào ngầm bằng máy TBM thay vì đào moi, đào mở đặt ra trước đây.

Métro de Paris là biểu tượng của thủ đô nước  Pháp, dài 213km của 16 tuyến, 298 ga, phần lớn chạy ngầm dưới đất. Mạng lưới dày đặc, mật độ sử dụng cao (4,5 triệu người /ngày). Các bến tàu điện ngầm được trang trí theo phong cách Art nouveau.

Tuyến đầu tiên của Metro de Hanoi là tuyến xe điện Nhổn – Ga Hà Nội dài 12,5 km, phần lớn chạy trên cao, chỉ có 3 km ngầm, dự trù báo cáo tiền khả thi hơn 10.300 tỉ đồng, tương đương 458 triệu Euro.Trong đó,.  Năm 2010 đạt 123.800 hành khách/ngày. Sẽ tăng lên thành 274.000/ngày vào năm 2020 và 360.000/ngày vào năm 2030. Chia ra mức đầu tư đường trên cao và 12 ga khoảng 450 tỷ VND/km. Tunnel ngầm khoảng 550 tỷ VND/km- đấy là thông tin cơ bản tuyến số 3 dự trù cách đây 3 năm, giờ  thì đã tăng 1, 7 lần như đã trình bày, không ai dám chắc đây có là số cuối cùng.

Đề xuất mạng lưới giao thông nội đô của HAIDEP – 2006. Nguồn ảnh: Hanoidata

Việt Nam, cho đến nay chưa ai nhận là chuyên gia metro. Phụ thuộc toàn bộ vào tư vấn nước ngoài, nên dự kiến có tăng vài lần thì cũng là bước… "rèn luyện cảm xúc tập thể".

Trong QH giao thông Hà Nội, riêng đường sắt nội đô sẽ có 5 tuyến, tuyến nào cũng có đoạn trên mặt đất, có đoạn chạy trên cao, vài tuyến có đoạn đi ngầm trong TP. Tổng đầu tư 7,345 tỷ USD, vốn từ nước ngoài 5, 542 tỷ USD (75,6%); trong nước là 1, 803 tỷUSD ( 24,5%).

Khái toán cho cả hệ thống giao thông đồng bộ Hà Nội là hơn 20 tỷ USD, tương đương với ¼ GDP cả nước hay bằng số dự trữ ngoại tệ VN lúc cao nhất. Lập ra một  viễn cảnh đô thị có tầm nhìn là việc đáng làm, nhưng tìm ra con đường nào khả dĩ để tới được mục tiêu mới cần trí tuệ. Bởi lẽ, chưa thấy có tấm gương sáng nào về mô hình thành phố đi lên văn minh hiện đại bằng đôi chăn của người khác.

Có phải là một giấc mơ mới?

Sau một hồi phân luồng phân lạch giao thông HN tạm căng thẳng đôi chút. Nhưng giải pháp tình thế ấy có vẻ đã "nhờn thuốc". Chỉ cần một đợt giảm thuế nhập khẩu ô tô con là  vài chục ngàn cục tắc nghễn bổ xung  vào mạch máu giao thông  thủ đô – Thế là căn bệnh tắc cứng tái phát, lần này có vẻ trầm trọng hơn. Gần đây  vào lúc tan tầm, xe ô tô nào cũng bật sóng FM thông báo đường thông đường tắc, mỗi ngày lại thấy nhiều đường tắc hơn đường thông.

Tin vui đến với mọi nhà, ngày 14/1/2010, TP Hà Nội  đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải HN, các đơn vị tư vấn về xây dựng đường trên cao tại tuyến vành đai 2, 3 và các trục hướng tâm,  lãnh đạo TP giao cho Viện Quy hoạch xây dựng HN nghiên cứu đề án đường trên cao để trình TP.Hàng loạt các tuyến có thể xây dựng đường trên cao với định hướng từ vành đai 2 trở ra như đoạn đường từ cầu Vĩnh Tuy đến Bưởi với mặt cắt 50- 70m, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch- cầu Thăng Long.Các trục hướng tâm phía hữu ngạn sông Hồng cũng cần xây dựng cầu vượt như các tuyến đường: Âu Cơ- Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng-Liễu Giai- Hồ Tây, Hà Đông- Thanh Xuân- Láng Hạ- Giảng Võ, Kim Giang- đường 70…Với ưu điểm không phải GPMB, thi công 1km hết có 6 -7 tháng, thế thì chỉ cần sau  50 năm là sẽ có 100 km đường trên cao …tha hồ mà đi

Tuy vậy, dù có rẻ chăng nữa 100 Km đường trên cao cũng phải vài tỷ USD hay vài chục ngàn  tỷ VND. Vấn đề ở chỗ vấn nạn tắc đường gia tăng hàng ngày, trong khi TP sẽ ngổn ngang công trường nâng tâng đường bộ bao lâu như vậy thì lấy đường để mà đi. Không khéo lúc ấy lại mơ thà cứ tắc như bây giờ còn hạnh phúc hơn. Lại nhớ cái ngày khởi công rầm rĩ  tuyến đường tầu điện ngầm đầu tiên mà nghĩ quẩn: hay là những giấc mơ?

Phương án giao thông trong quy hoạch HN mở rộng – báo cáo lần2 của PPJ. Nguồn ảnh: Hanoidata

Làm sao để ra đường là có chỗ để đi

Tắc đường HN cơ bản là xung đột tại các nút giao cắt, vị trí giao cắt giữa 5 trục hướng tâm với 3 vòng vành đai là trầm trọng nhất. Ngoài 4 nút đã làm cầu ngầm,vượt còn khoảng 10-15  nút cần tổ chức giao cắt lập thể. Thứ tự ưu tiên là Deawoo, La Thành, Thái Hà, Giảng Võ, Lê Trọng Tấn …Tất cả các giao cắt qua sông Tô Lịch: Bưởi, Đào Tấn,Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương…cầu vượt sông cao không chỉ để 4 làn đường 2 bên sông lưu thông mà sau này đổ nước vào sông,  HN có 20 km đường thủy nội đô  giá trị. Để cải thiện thực trạng mà không gia tăng ách tắc thì giải pháp phân đợt thi công là quan trọng. Có thể cấp tốc xây dựng các cầu vượt kết cấu thép, móng đơn giản cũng bằng cọc thép, tổ chức 2 – 4 làn xe ở giữa, sau này mở rộng sang 2 bên các làn đường BT với móng trụ cố định, tháo dỡ cầu thép và thay thế nốt khoang giữa bằng BT là xong.

Tắc đường trong trung tâm TP (TT)  do dừng đỗ bừa bãi chiếm diện tích lưu thông. Tăng cường bãi đỗ chìm nổi, thu phí cao để khuyến khích đầu tư xã hội hóa. Khoán cho các doanh nghiệp lập hệ thống giám sát và thu phí, cơ quan CA và Thanh tra GT chỉ giám sát hoạt động này sẽ tạo nguồn thu lớn để tái đầu tư hạ tầng giao thông

Hà Nội cũng đang lúng túng xác định ga tầu điện ngầm trong TT. Cái này thì đô thị  khắp thế giới cũng bí, nhưng HN may hơn vì đã có QH khu các có quan NN đưa ra ngoài TT. Muốn bản QH Hà nội không chỉ là bức vẽ tô mầu thì các cơ quan NN làm gương di chuyển khẩn trương ra khỏi TT, dành không gian hiện trạng cho công cộng. Ví dụ như Bộ NN ra ngoài trả lại đất công viên Bách Thảo, đào ngầm dưới đất làm ga ngầm, bãi đỗ ô tô hàng ngàn chiếc, trung tâm thương mại hàng chục ngàn m2. Bộ GTVT nhỏ hơn nhưng kết hợp di chuyển Bộ CN cũ   và mấy cái bệnh viện dày đặc bệnh nhân, người nhà, dịch vụ ăn theo thì chỗ này cũng mấy chục Ha không gian công cộng đa năng. Bộ LĐTB xã hội và trụ sở Bộ Thương mại cũ có phải cửa hàng bán lẻ gì đâu  mà cứ chềnh ềnh giữa phố làm gì. Các  Bộ khác cũng vậy, nghe đâu mấy Bộ đã xin đất, xây trụ sở rồi mà chưa thấy chuyển ra  là sao?

Vẽ ra cái đường thì dễ thôi, lập ra kế hoạch đồng bộ từ giao thông thủy bộ kết hợp đường sắt nội đô và liên vùng. Đường đi chỗ đỗ kết hợp tài tình, thu tiền minh bạch hợp lý lấy bớt của ông giàu hưởng thụ phè phỡn bù cho ông nghèo tất tả ngược xuôi … Thế mới là quy hoạch tổng thể có trí tuệ. Vẽ ra mà không có cơ sở thực thi bà con chê cười là chỉ giỏi vẽ.

Chưa bao giờ chuyện đi lại ở Hà Nội vất vả như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ Hà Nội có cơ hội thoát ra cái cảnh "giật gấu vá vai" để lột xác trở thành TP văn minh hiện đại. Cơ bản là các kế hoạt phát triển đô thị được quản trị tốt, tài nguyên đất đai được khai thác đúng giá trị để tái đầu tư phát triển – Không phải vay mượn ai mà chủ động tiến hành. Kinh nghiệm này, Hà Nội đầu thế kỷ 20 đã làm tốt lắm nhưng thôi để dịp khác trình bày. Đầu năm mới 2010, chỉ nhắc nhở bà con phải bình tĩnh – chớ thấy tắc đường trầm trọng mà nóng nảy la lối ầm ĩ hay lạng lách lung tung, làm vậy các vị lập QH giao thông vốn đang rối trí lại làm họ bế tắc thêm.

(Tuanvietnam)

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.