Vào khoảng 15h30 ngày 10/3 cầu Chợ Đệm thuộc Dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang thi công thì bất ngờ bị gãy đôi, làm hai công nhân bị thương nặng. <Sập dầm cầu chợ Đệm thuộc dự án Trung Lương> Ông Trịnh Nam Sơn – Phó giám đốc Ban điều hành Dự án thuộc TCty Xây dựng Thăng Long cho biết: Sự cố xảy ra lúc công nhân đang đặt nhịp dầm số 9 vào vị trí, bất ngờ dầm bị lắc và gãy. Khi dầm gãy và rớt xuống có va chạm vào dầm số 10 làm dầm số 10 bị nghiêng.
Công trình cầu Chợ Đệm xảy ra sự cố do Cty CP cầu 11 Thăng Long (thuộc TCty Xây dựng Thăng Long, Bộ GTVT) thi công và đã lắp đặt được 6 nhịp dầm hoàn chỉnh. Còn dầm xảy ra sự cố là nhịp dầm số 9 (có chiều dài 42m, nặng khoảng 70 tấn).
Theo ông Sơn, lúc thi công có 10 công nhân, nhưng thời điểm xảy ra tai nạn có 4 công nhân tại vị trí xảy ra sự cố và chỉ có 2 công nhân bị thương (đang cấp cứu, điều trị tại bệnh viện) là Trần Quang Thảnh (26 tuổi, quê Nam Định) và Trần Đình Trung (22 tuổi, quê Nghệ An) là thợ bậc 4 chuyên môn về kích kéo, hai công nhân còn lại thì không có thương tích gì.
Tuy nhiên, đến 22 h đêm 10/3 công nhân Trần Quang Thảnh đã tử vong dù được cứu chữa tận tình.
Về nguyên nhân sự cố, ông Trịnh Nam Sơn cho rằng trong lúc đang thi công có thể do gió to, hai đầu dây cáp hạ dầm có thể không đều dẫn đến bị lắc và xảy ra sự cố. Ông Sơn cũng bác bỏ nhận định sự cố xảy ra là do “rút ruột” công trình, mà chất lượng dầm là hoàn toàn đảm bảo.
Phát biểu với báo chí ngay tại hiện trường, ông Trần Quang Phượng – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân của vụ tai nạn này. Tuy thế, theo ông Phượng dự đoán, khi thi công có thể có trục trặc trong lúc cần cẩu di chuyển các dầm cầu đúc sẵn vào khớp nối, khiến gối bị lệch, va vào dầm đã được dựng sẵn và rơi xuống sông.
Chiều tối 10/3, đại diện Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân xảy ra sự cố là do lỗi sơ suất của công nhân trong thi công. Khi đang hạ dầm vào gối và đang cân chỉnh cao độ, do sơ suất trong thao tác sử dụng thiết bị nâng hạ của công nhân nên đã gây ra rung lắc, gây mất ổn định bụng dầm (dầm Y42), do đó dầm bị xoắn và gẫy rơi xuống sông Chợ Đệm.
Về hướng khắc phục sự cố, ông Trịnh Nam Sơn cho biết sẽ huy động cần cẩu loại 80 tấn để cẩu hai thanh dầm bị gãy và nghiêng ra khỏi hiện trường (trị giá 2 nhịp dầm này là 600 triệu đồng) và sẽ sớm thay thế hoàn toàn bằng hai nhịp dầm mới. Dự kiến thời gian khắc phục sự cố và giải tỏa, thông thoáng đường sông Chợ Đệm khoảng 2 ngày, nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình.
Ông Trịnh Nam Sơn khẳng định ngoài hai công nhân bị thương thì không có công nhân nào bị mất tích tại hiện trường.
Về công tác cứu hộ, do nghi ngờ khả năng có nạn nhân bị mất tích tại hiện trường trên sông Chợ Đệm nên Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã huy động lực lượng cứu hộ trên sông tung ra tìm kiếm, nhưng đến 18h vẫn không phát hiện nạn nhân nào.
Sau khi sự cố xảy ra, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM và Sở GTVT TP.HCM đã có mặt tại hiện trường và đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố.
Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài gần 62km (bao gồm cả đường nối), có những đoạn vượt sông và qua những khu vực có nền địa chất yếu. Công trình khởi công cuối năm 2004, nối huyện Bình Chánh (TP.HCM) với huyện Châu Thành (Tiền Giang).Vốn đầu tư lên gần 10 nghìn tỷ đồng. Đây là tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc với vận tốc 120km/h gồm 4 làn xe (giai đoạn 1) dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Khi hoàn thành, đường cao tốc này sẽ rút ngắn 50% thời gian từ TP.HCM đi Tiền Giang.
Báo Xây dựng sẽ trở lại vấn đề này khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. |
Gẫy nhịp dầm cầu Chợ Đệm: Người trong cuộc nói gì?
172