Hơn một tuần nay, nhiều cửa hàng bán lẻ trên đường Láng, trường Chinh và Đê La Thành chỉ vài khách hỏi mua. Cửa hàng Hảo Yến trên đường Đê La Thành cho biết, giá đã giảm từ 10-20% so với thời điểm đầu năm và lượng bán ra cũng giảm đến 30-35%. “Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, trung bình mỗi ngày có đến chục khách đến mua hàng. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng đến nay rất ế khách, túc tắc một ngày mới có 1-3 người hỏi thăm”, chủ cửa hàng nói.
Theo bà trịnh Thị Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hồng Thái, từ giữa tháng 4 đến nay, lượng thép bán ra chậm hơn hẳn so với tháng 3. trong tháng trước, mỗi tuần, cửa hàng của bà nhập về khoảng hơn chục tấn để bán, tuy nhiên, trong tuần đầu tháng 5, cửa hàng chỉ dám nhập về khoảng 2-4 tấn.
Khách hàng chờ thép tiếp tục hạ nhiệt mới đi mua hàng. Ảnh: Bách Hợp. |
Bà Hòa cho biết, giá thép giảm mạnh. trong 10 hôm, giá thép xuống tới 4 lần. Đêm hôm trước vừa nhập thép với giá hơn 16 triệu đồng mỗi tấn thì sáng hôm sau giá xuống mất gần 500.000 đồng mỗi tấn. “Giá xuống nên nhiều cửa hàng càng phải đẩy thép bán nhanh, sợ lượng hàng tồn kho lớn. Thêm vào đó, với tình hình kinh tế khó đoán như hiện nay, các cửa hàng kinh doanh càng phải bán nhanh vì sợ giá tiếp tục xuống”, bà Hòa cho biết.
Anh Minh Thành sau hai ngày đi khảo sát giá cũng thấy chóng mặt vì mỗi cửa hàng có một mức bán khác nhau chênh khoảng 100.000- 200.000 đồng mỗi tấn. Cách đây một tuần, anh mua thép lập là với giá 14 triệu đồng mỗi tấn, đến hôm nay khảo sát, giá chỉ còn 13,5 triệu. “Dự kiến thép sẽ còn giảm nên tôi chưa quyết định mua nhiều, tôi mới chỉ mua tạm nửa tấn, chờ đến khi hết lại mua tiếp”, anh chia sẻ.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ mùng 7/5 đến nay, hiệp hội đã nhận được một loạt thông báo giảm giá bán của các công ty thép thành viên như thép miền Nam, thép pomina, thép Việt Nhật (Vinakyoe) với mức giảm tới 300.000- 500.000 đồng mỗi tấn.
Theo đó, giá thép xây dựng (chưa bao gồm thuế VAT) dao động từ 13,6 đến 14,1 triệu đồng mỗi tấn. Cụ thể, thép cuộn của công ty thép Miền Nam, thép Việt chỉ còn lần lượt khoảng 13,6- 13,9 triệu đồng mỗi tấn. Thép cây Việt Nhật (Vinakyoe) cũng chỉ còn 14,1 triệu đồng mỗi tấn, thép Miền Nam khoảng 13,750 triệu đồng.
Ông phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp Hội thép Việt Nam, cho biết, trong tháng 4, lượng tiêu thụ giảm 270.000 tấn so với tháng 3, đạt khoảng 300.000 tấn. Mức tiêu thụ của hàng loạt thương hiệu lớn đều giảm từ 35% đến 60% như thép Thái Nguyên chỉ bán được khoảng 28.000 tấn, giảm tới 60% so với tháng 3. Thép Việt Úc chỉ bán được có 11.000 tấn giảm 45% so với tháng trước. Theo ông Cường, sắp tới sẽ là mua mưa, các công trình ít thi công nên chắn lượng tiêu thụ thép sẽ còn giảm.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, đã có hơn 120.000 tấn thép xây dựng, chủ yếu là thép cuộn từ các nước ASEAN nhập vào Việt Nam tính từ đầu năm đến nay “Giá phôi thép trên thế giới đã giảm 20-30 USD mỗi tấn. Lượng tiêu thụ trong nước giảm, các doanh nghiệp nội lại phải cạnh tranh với thép ASEAN nên giá thép trong thời gian tới sẽ ổn định”, ông Cường nhận định.
Cũng theo ông Cường, thép hạ nhiệt là điều tất yếu bởi trong tháng 3, giá thép đã tăng nóng, vượt quá khả năng chi trả của khách hàng. Bởi vậy, chỉ cần một vài công ty lớn hạ giá thép là các doanh nghiệp khác phải đua nhau hạ giá theo để cạnh tranh.
Ông Cường lý giải thêm, trong thời gian vừa qua, trong khi giá thép ở nhà máy tăng từ từ thì thị trường tự do tăng cao do có nhiều cửa hàng đầu cơ găm hàng. Khi thấy tình hình phôi thép trên thế giới hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho quá nhiều, các doanh nghiệp mới ồ ạt xả hàng tồn kho thay vì nhập hàng mới làm giá thép buộc phải giảm.
Giá thép giảm, khách hàng lại chờ nghe ngóng thị trường chưa đưa ra quyết định mua. “Người mua chờ đợi đến khi giá thép tiếp tục giảm dẫn đến nhiều cửa hàng thép vắng khách “, ông Cường nói.
Bách Hợp