Tp.HCM có một mạng lưới đường sông phong phú và đa dạng, nên được các cấp, các ngành nghiên cứu để phát triển cho xứng tầm với một đô thị hiện đại. Ngày 14/9/2009 UBND Tp.HCM đã có Quyết định 66/2009/QĐ-UBND về duyệt quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực Tp.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Theo quy hoạch, hệ thống mạng lưới đường thủy, cảng và bến khu vực Tp sẽ được phát triển một cách hợp lý và đồng bộ, có quy mô phù hợp với từng khu vực, hình thành những trung tâm kết nối giữa vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, từ đó kết nối Tp.HCM với các tỉnh miền Đông, miền Tây, đặc biệt với hệ thống cảng biển mới. phối hợp với hệ thống giao thông đường bộ và các phương thức giao thông khác nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vận tải hàng hóa và hành khách góp phần giảm bớt áp lực cho vận tải đường bộ, phát triển kinh tế – xã hội và cải tạo cảnh quan môi trường đô thị của Tp.
Mạng lưới giao thông thủy Tp được quy hoạch theo quan điểm duy trì và cải tạo các luồng tuyến giao thông thủy hiện có, đồng thời tìm kiếm những luồng tuyến mới có khả năng khai thác vận tải thủy. Theo quy hoạch, Tp có 87 tuyến đường thủy nội địa từ cấp 1 đến cấp 6 với tổng chiều dài trên 574km, 2 tuyến đường sông chuyên dùng với tổng chiều dài 2,6km, 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 252km, 7 tuyến hàng hải với tổng chiều dài 146,8km.
Tp.HCM cũng sẽ quy hoạch, sắp xếp các cảng hàng hóa, hành khách trên tuyến kênh Tẻ, chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu cảng trường Thọ trên rạch Đào thuộc địa bàn p.trường Thọ, Q.Thủ Đức. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cảng hàng hóa đường sông: Cảng phú Định tại ngã 3 sông Cần Giuộc – sông Chợ Đệm Bến Lức – Kênh Đôi thuộc p.16, Q.8; cảng Long Bình trên sông Đồng Nai thuộc p.Long Bình, Q.9; xây dựng mới cảng hàng hóa Nhơn Đức trên giao tuyến của rạch Bà Lào với rạch Dơi – sông Kinh (sông Đồng Điền) thuộc huyện Nhà Bè.
Bài toán giảm áp lực giao thông Vấn đề làm thế nào để giảm áp lực giao thông trên địa bàn Tp.HCM đã làm hao tâm tổn trí các nhà lãnh đạo. Tận dụng mạng lưới sông ngòi dày đặc Tp đã tính tới phương án mở các tuyến xe buýt trên sông nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Tuy nhiên phương án này chỉ mới được bàn đến, còn để thực hiện là cả một quá trình lâu dài và tốn kém tiền của.
Ông La Vĩnh Tuyền – trưởng phòng Kế hoạch đầu tư khu đường sông Tp.HCM cho biết: “Để triển khai kế hoạch vận tải hành khách trên sông thì cần vốn đầu tư rất lớn, trong khi kinh phí của Tp thì rất hạn hẹp, chính vì vậy cần phải xã hội hóa và có sự giúp sức từ các DN. Một khi các DN có kế hoạch tham gia thì chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ về mặt cơ chế”.
Cũng theo ông Tuyền, để triển khai được quy hoạch trước hết phải đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường thủy. Hiện nay, khu đường sông đang tiến hành làm kè ở khu vực Thanh Đa, Q.Bình Thạnh (6 đoạn) và khu vực Nhà Bè (7 đoạn). Kế hoạch từ nay tới cuối năm sẽ tiến hành khởi công thêm 3 đoạn kè ở Bình Thạnh và Nhà Bè, đồng thời tiến hành nạo vét 6 đoạn trên rạch Chiếc Cầu Bà Cả huyện Bình Chánh, rạch Ngang – rạch Rộp huyện Nhà Bè… Quy hoạch cải tạo một phần Cảng Sài Gòn tại vị trí Bến Nhà Rồng, Khánh Hội (sau khi cảng này chuyển đổi công năng sau năm 2010) thành cảng hành khách du lịch cỡ nhỏ và trung tâm dịch vụ hàng hải. Xây dựng bến tàu khách quốc tế 50.000 GRT tại khu vực công viên phú Thuận (mũi Đèn Đỏ). Xây dựng cảng hành khách du lịch tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. |
Giao thông thủy TP.HCM: Phát triển để xứng tầm
9