Giá đất mới, áp dụng từ 1-1-2010, để tính thuế đối với việc sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu lệ phí trước bạ; tính tiền sử dụng đất, thuê đất; bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất…
Tăng kịch khung!
Theo các mức giá vừa được UBND Tp ban hành, giá đất ở tại Hà Nội tăng kịch khung Chính phủ cho phép ở một số đường phố trung tâm thuộc các quận nội thành. Theo đó, mức giá đất ở tối đa sẽ tăng từ 67 triệu đồng/m2 lên 81 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng 21% so với năm 2009. Như vậy, sau đợt tăng này, giá đất ở tại Hà Nội sẽ ngang bằng với giá đất tại Tp Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại vị trí 1 (mặt đường) các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) sẽ đứng ở mức cao nhất 81 triệu đồng/m2.
Các đường phố, vị trí còn lại sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với mức vượt khung tối đa của Chính phủ theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra. UBND Tp cũng bổ sung giá đất mới tại 28 đường phố mới được đặt tên trong đợt này. Riêng các phường và trục giao thông chính tại quận Hà Đông, một số nơi được đề xuất điều chỉnh giá đất tăng tới 40%. Xét trên toàn thành phố, giá đất ở tại nội thành thấp nhất là 1,8 triệu đồng/m2 (vị trí 4 của đường 72 đi qua phường Dương Nội, Hà Đông). Giá đất tại thị trấn của các huyện cũng được điều chỉnh tăng.
phó Chủ tịch UBND Tp Vũ Hồng Khanh cho biết, thành phố đã gửi 14.000 phiếu điều tra xã hội học để đánh giá tình hình giá đất thực tế trên thị trường trước khi đi đến đề xuất điều chỉnh tăng.
Giá cao nhất vẫn là tại các thị trấn thuộc các huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh như Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh trì, Hoài Đức, Đan phượng, lên tới 21,6 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất ở tại các khu vực đầu mối giao thông thuộc các huyện cũng tăng theo hướng tiếp cận với giá vượt khung tối đa. Tương tự, sau khi điều chỉnh, giá đất phi nông nghiệp cao nhất ở mức hơn 35,23 triệu đồng/m2, mức thấp nhất là 1,1 triệu đồng/m2.
trong khi giá đất ở được điều chỉnh tăng mạnh, giá đất nông nghiệp lại hầu như giữ nguyên bởi cơ bản “vẫn phù hợp với tình hình hiện nay”, theo UBND Tp Hà Nội.
Chủ dự án sẽ khó khăn
Theo UBND Tp Hà Nội, năm 2010, cần phải điều chỉnh giá đất bởi giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường Hà Nội trong năm 2009 đã tăng khá mạnh, dù không đồng đều. Điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, giá đất tại các quận, thị xã, thị trấn, huyện giáp ranh nội thành, trục đầu mối giao thông đều tăng trung bình 20%. Cá biệt có những khu vực tăng giá tới 100%!
Ngoài ra, một số khu vực đã được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội đã làm tăng giá đất, nên cần điều chỉnh lại để đảm bảo thu ngân sách cho Nhà nước. Điều chỉnh giá đất theo hướng tiếp cận với giá thị trường cũng sẽ khuyến khích chủ đầu tư và người sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư, buộc họ khai thác, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. UBND Tp Hà Nội cũng nhìn nhận, điều chỉnh giá đất theo hướng tăng sẽ đem lại nhiều yếu tố tích cực.
Tuy thế, giá đất tăng sẽ phần nào có tác động tới việc xử lý các dự án đang thực hiện (chuyển tiếp từ năm 2009 sang 2010). Bởi, trong trường hợp giá đất tăng, các chủ đầu tư dự án sẽ phải đầu tư vốn ban đầu nhiều hơn để được sử dụng đất, gây thêm khó khăn cho nhà đầu tư, giảm tính cạnh tranh của dự án…
Giá thị trường lại tụt
Hà Nội lấy việc giá đất trên thị trường tăng làm căn cứ điều chỉnh giá đất. Thế nhưng, trong một diễn biến khác, sau hơn 2 tháng leo thang liên tục, từ cuối tháng 11-2009, giá đất tại nhiều khu vực ở Hà Nội đã bước qua đỉnh và bắt đầu giảm khá mạnh.
Giao dịch ở một loạt dự án vốn nóng nhất thị trường từ hồi tháng 9-2009 đã chững hẳn lại. Theo một số công ty môi giới bất động sản, số lượng khách hàng quan tâm đến tìm hiểu các dự án đã giảm tới 70%. Lượng giao dịch thành công cũng giảm rất mạnh. Thậm chí, có những sàn giao dịch không có mua bán từ đầu tháng 12-2009.
Từ đầu tháng 12-2009, các dự án vốn “sốt nóng” ở huyện Hoài Đức, Đan phượng như Kim Chung – Di trạch, Dương Nội, Khu đô thị Lê trọng Tấn, Hoàng Quốc Việt kéo dài… đều chuyển sang trạng thái chờ, không có người hỏi mua mặc dù giá giảm từ 10-15%. Dự án Splendora, hồi tháng 11-2009 có mức chênh lệnh so với giá gốc lên tới 1,8-2,1 tỷ đồng đến nay giảm mạnh xuống chỉ còn 500-600 triệu đồng.
Cũng từ cuối tháng 11-2009, một số dự án căn hộ chung cư ở dọc trục Lê Văn Lương kéo dài, Lê trọng Tấn (quận Hà Đông) cũng đã công bố ngừng bán hàng bởi rất ít người hỏi mua. Đang từ chỗ dễ dàng “lướt sóng” với số tiền chênh lệch từ 100 – 200 triệu đồng/căn, hiện nay, ở một số dự án, người bốc thăm trúng căn hộ đang chào người mua “lấy hộ” suất không mất tiền chênh lệch…
Bảng đất chi tiết Hà Nội năm 2010, xem tại đây.
(Theo ANTĐ)