trước kia, nơi đây là một đoạn thành cổ của Hà Nội – Ảnh: SGTT. |
UBND thành phố Hà Nội đã chính thức quyết định dừng thi công tuyến đường Văn Cao – Hồ Tây, sau khi phát hiện một số dấu tích được cho là có liên quan đến Hoàng thành Thăng Long tại đây.
Theo công văn số 3229/UBND-VHKG do phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký ngày 10/5, thành phố chính thức quyết định dừng thi công tuyến giao thông Văn Cao – Hồ Tây (đoạn cắt đường Hoàng Hoa Thám) theo đề nghị của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch sau khi phát hiện một số mảnh gốm vỡ được các nhà khoa học cho rằng là dấu tích của một đoạn vòng ngoài của Hoàng thành Thăng Long thời Lý – trần.
UBND thành phố giao cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Ba Đình và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ các hiện vật thu thập được sau khi cơ quan chuyên môn hoàn thành công tác nghiên cứu, lập hồ sơ hiện vật.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị liên quan xây dựng kế hoạch khai quật khảo cổ tuyến đê Bưởi, phục vụ nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị, tham mưu đề xuất phương án giải quyết với UBND thành phố.
trước đó, tại hiện trường khu vực dự án đang thi công tuyến đường Văn Cao – Hồ Tây, đoạn giao cắt với đường Hoàng Hoa Thám đã phát hiện một số mảnh gạch vồ, mảnh gốm thời Lê, thời trần…
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội, đối chiếu thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy, tuyến đường Hoàng Hoa Thám, đê Bưởi vốn là vòng thành ngoài cùng của kinh thành Thăng Long thời Lý – trần, và là vòng Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2006, Ban quản lý dự án giao thông đô thị Hà Nội đã tiến hành việc phê duyệt dự án xây dựng đoạn đường trên mà không có sự tham gia của cơ quan này.
Dự án đường Văn Cao – Hồ Tây là 1 trong 5 công trình trọng điểm của Hà Nội nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đoạn đường này có tổng chiều dài gần 500 m, với điểm đầu là đường Hoàng Hoa Thám và điểm cuối là đường ven hồ Tây, thuộc địa bàn các phường Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ) và phường Liễu Giai (quận Ba Đình). Tổng diện tích đất huy động để thực hiện dự án là hơn 47.000 m2, có 384 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, trong đó có 200 hộ thuộc diện tái định cư tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 373 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án Giao thông đô thị Hà Nội thực hiện. Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào tháng 9/2007 nhưng do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên đến nay mới bắt đầu triển khai.
DiaOcOnline.vn – Theo VnEconomy