Trang chủ » Hành lang xanh sẽ chiếm 60 – 70% diện tích Hà Nội

Hành lang xanh sẽ chiếm 60 – 70% diện tích Hà Nội











Liên danh tư vấn quốc tế PPJ đã có nghiên cứu các phương án quy hoạch chung XD thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (nội dung báo cáo giai đoạn 2). Trong đó PPJ đề xuất định hướng phát triển không gian Hà Nội với những không gian đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh với các chức năng khác nhau; những ý tưởng ban đầu về sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, giao thông, về những đề xuất đối với khu vực cũ cần bảo tồn và những đánh giá ban đầu mang tính chiến lược về môi trường, bảo vệ, cải tạo và phát triển mới. Dự kiến, đồ án tiếp tục được báo cáo lần 3 với các đề xuất về kỹ thuật (vào khoảng tháng 10/2009) trước khi được nộp hồ sơ đồ án (vào tháng 12/2009), thẩm định (tháng 4/2010) và phê duyệt (tháng 6 /2010).



Hành lang xanh cho Hà Nội



Trong báo cáo này, PPJ đã đưa ra những dự báo kinh tế và phát triển. Theo đó, đến năm 2030, thủ đô Hà Nội sẽ có 9 – 10,1 triệu người. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,4% trong các năm 2009 – 2010, 11,6% trong các năm 2010 – 2030 và 12,2% trong các năm 2030 – 2050. Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2030, Hà Nội ưu tiên phát triển dịch vụ với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng 36,4%, dịch vụ 61,5%, nông nghiệp 2,1%. PPJ phân tích: Phương án theo đuổi hướng ưu tiên phát triển dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao), Hà Nội có nhiều lợi thế so với các tỉnh thuộc vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, xứng đáng với vị thế thủ đô của một nước với môi trường phát triển bền vững. 



Cũng trong báo cáo lần 2, PPJ đã đề xuất 8 chiến lược phát triển không gian đô thị và đặc biệt nhấn mạnh sự hình thành một không gian xanh chiếm tới 60 – 70% diện tích (30 – 40% còn lại dành cho phát triển đô thị) với mục tiêu như tạo lập không gian xanh công cộng gần TP, bảo vệ vùng nông nghiệp năng suất cao, bảo vệ vùng dễ xảy ra lũ; bảo tồn di sản văn hóa; thiên nhiên, thiết lập ranh giới quản lý sự phát triển thiếu kiểm soát của đô thị; tạo kết nối mạnh mẽ hơn giữa các vùng nông thôn, vùng ven và đô thị; cho phép duy trì, nâng cấp các làng nghề hiện nay và thúc đẩy du lịch sinh thái; thúc đẩy sự hình thành của các trung tâm đô thị nén mới… Khái niệm hành lang xanh được sử dụng linh hoạt thích hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội, không phải là vành đai xanh như một số đô thị trên thế giới. PPJ cho biết phần lớn hành lang xanh được đề xuất ở khu vực giữa sông Đáy và sông Tích, mở rộng về phía Nam xuống huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa. Hành lang xanh cũng có một phần ở phía Bắc của huyện Mê Linh, khu đồi núi Hầm Lợi gần Sóc Sơn. Hành lang xanh sẽ bao gồm các vùng bảo tồn như các vùng nông nghiệp, đa dạng sinh học, di sản văn hóa và các vùng phát triển dựa trên bảo tồn như cụm làng nghề. “Với hành lang xanh, Hà Nội thiết lập được một vùng phát triển cân bằng dựa vào bảo tồn. Đây chính là mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội” – PPJ phân tích.



Đề xuất mô hình cấu trúc mạng…



Sau khi phân tích các mô hình phát triển Hà Nội qua các thời kỳ, PPJ đề xuất mô hình định hướng cho Hà Nội là cấu trúc mạng kết hợp với tự nhiên làng xóm, các dòng sông, kế thừa các cấu trúc quy hoạch từ trước và cấu trúc vùng. Hà Nội trong những năm tới sẽ hình thành đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Chúng được kết nối với nhau bằng các hệ thống kết nối nhanh thông qua hệ thống giao thông, viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác. PPJ đã đưa ra 3 phương án (A, B, C) phát triển không gian đô thị, trong đó phương án C tập hợp các điểm mạnh của 2 phương án trước đó (A và B). Theo phương án C, khu vực TP lõi sẽ mở rộng về một phần về phía Tây, sử dụng không gian cảnh quan mở như là một vùng đệm cho TP lịch sử trung tâm. Hà Nội sẽ phát triển hòa nhập với công viên bên bờ sông và các đề xuất khác trong dự án Sông Hồng. TP cũng đồng thời phát triển mở rộng một phần về phía Bắc sông Hồng theo định hướng của quy hoạch năm 1998. Đặc biệt, Hà Nội sẽ hình thành 5 đô thị vệ tinh chính gồm Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Quốc Oai với quy mô dân số từ 210.000 – 750.000 người và nhiều khu vực đô thị vệ tinh nhỏ khác. Xây dựng thêm các mạng đường kết nối lớn, nhỏ trực tiếp từ đô thị vệ tinh đến trung tâm Hà Nội. Đồng thời hình thành mới  tuyến tầu điện nhanh kết nối đô thị cũ và các khu vực phát triển mới.



Đề xuất một số phương án Trung tâm hành chính mới của Chính phủ (5 phương án sơ bộ với sự đánh giá so sánh trên cơ sở các tiêu chí cơ bản).



Vị trí sân bay thứ 2 được đề xuất ở phía Nam, huyện Ứng Hòa. Việc đề xuất nhằm dự báo cho tương lai lâu dài dự trữ không gian quỹ đất để có cơ hội phát triển thuận lợi trong tương lai



Ngoài ra, PPJ cũng có những nghiên cứu đánh giá  rà soát 744 đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội nhằm có những đề xuất hợp lý với ý tưởng quy hoạch chung đang nghiên cứu nêu trên.







8 chiến lược phát triển không gian đô thị do PPJ đề xuất


 


Chiến lược 1, tăng cường bản sắc, hình ảnh riêng về TP bằng cách thiết lập trục không gian gồm mặt nước – cây xanh – văn hóa, phấn đấu tối thiểu 60 – 70% diện tích của TP được dành cho không gian mở…


 


Chiến lược 2, phát triển hệ thống đô thị vệ tinh và xây dựng các vùng phát triển mới có ranh giới rõ ràng nhằm đáp ứng sự tăng trưởng dân số và việc làm trong thời gian tới của Hà Nội. Bằng mọi cách hạn chế sự phát triển loang rộng, thiếu kiểm soát thông qua việc xây dựng các hành lang xanh có ranh giới rõ ràng xung quanh khu vực thành phố.


 


Chiến lược 3, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó sử dụng giao thông công cộng là phương tiện chủ yếu để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh nhằm bảo đảm hoạt động kinh tế – xã hội thuận lợi, nâng cao tính cạnh tranh cũng như bảo vệ môi trường.


 


Chiến lược 4, phát triển hệ thống các trung tâm đô thị hiện đại, có tính cạnh tranh để thu hút đầu tư đa dạng và chất lượng là động lực chính cho các đô thị vệ tinh. Đồng thời đây cũng là nơi tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho TP và hạn chế tốc độ di dân tới đô thị trung tâm.


 


Chiến lược 5, nâng cấp và khôi phục trung tâm TP (nội đô) và cả những khu vực ngoại vi, tăng cường kiểm soát phát triển dân số và xây dựng ở khu vực này.


 


Chiến lược 6, ngăn ngừa các hiểm họa thiên tai và các thảm họa khác do con người gây ra.


 


Chiến lược 7, giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống.


 


Chiến lược 8, tăng cường năng lực và thể chế để quản lý đô thị một cách có hiệu quả.


 







Những thách thức trong quy hoạch phát triển Hà Nội


 


Trong báo cáo lần 2, một lần nữa PPJ đề cập đến hiện trạng phát triển của Hà Nội. Theo đó trong những năm qua, Hà Nội đã xây  dựng được mạng lưới khung giao thông đô thị, hình thành các đô thị mới từ vành đai 2 đến vành đai 3 và tăng chỉ tiêu diện tích ở. Tuy nhhiên, Hà Nội chưa phát triển được khu vực phía Bắc Sông Hồng như định hướng quy hoạch chung phê duyệt năm 1998. Các cơ sở công nghiệp trong nội thành không còn phù hợp. Khu vực ngoại ô chưa kiểm soát được sự lan tỏa đô thị. Chuỗi đô thị Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây phát triển chậm gây nên dòng di cư cơ học lớn từ nông thôn tới đô thị trung tâm. Các trung tâm lớn cạnh tranh quốc tế chưa hình thành. Việc phân bố cơ sở đào tạo và công nghiệp cao chưa thực hiện được. Các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối chưa xây dựng.


 


Đề cập đến những thách thức trong quá trình nghiên cứu đồ án QHC Hà Nội lần này, PPJ cho rằng tư vấn phải đối diện với một hiện trạng đô thị với nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm về quy hoạch, kiến trúc. Đặc biệt là 744 đồ án, dự án đang triển khai nhiều mức độ khác nhau trên địa bàn. Tư vấn sẽ phải giải quyết bài toán về giao thông nội thị, ngoại thị, vành đai và liên tỉnh, phải sắp xếp lại hệ thống không gian chức năng công cộng, đô thị hành chính, các không gian ở tiện nghi, công nghiệp, y tế, giáo dục…vv..


 


Ngoài ra, tư vấn cũng gặp thách thức không nhỏ trước những vấn đề như quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển đô thị; năng lực quản lý đô thị; bảo tồn di sản, di tích lịch sử; giữ gìn và khai thác cảnh quan môi trường; giải quyết vấn đề lao động, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn và đào tạo hướng nghiệp theo xu thế công nghiệp dịch vụ, kiểm soát dịch cư giữa thành thị và nông thôn; kết nối và xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị nông thôn, nội thị và ngoại thị.


 


Tuy nhiên, PPJ vẫn đánh giá rất cao về nhiều tiềm năng phát triển của Hà Nội. Là một Thủ đô có vị thế, vị trí quan trọng với vùng và đất nước. Hà Nội có nguồn nhân lực lớn và dân trí cao. Hà Nội có bề dày văn hóa, lịch sử và giàu tiềm năng du lịch, có điều kiện để khai thác, phát huy bản sắc. Hà Nội cũng là trung tâm giáo dục, y tế có thể phát triển ở mức độ cao nhất của cả nước. Hà Nội có các điều kiện để phát triển công nghệ cao, công nghiệp kỹ thuật cao. Hà Nội cũng có cơ hội khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư so với các địa phương khác. Và cuối cùng, Hà Nội có nhiều sông hồ để tạo lập một đô thị mang nét đặc thù hiện đại Á Đông.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.