Khổ với xe hàng xóm

 

Sắm được xe ô tô là niềm hạnh phúc của chủ nhân, song nhiều khi nó lại là khởi đầu cho sự phiền hà với nhiều người. Nỗi buồn này vì sự tế nhị nên ít khi chủ nhân của “niềm hạnh phúc” có thể nghe được

Với thực tế quy hoạch “cái gì cũng nhỏ” ở Sài Gòn, cư dân của thành phố được xem là sang trọng nhất, hiện đại nhất… đang trở thành nạn nhân của nhiều nỗi khổ. Theo nhiều cư dân lâu năm của thành phố thì càng hiện đại bao nhiêu nỗi khổ càng tăng thêm bấy nhiêu. Nếu như trước đây khi loại hình karaoke tràn về xóm, âm thanh từ dàn nhạc và những giọng ca xé… màng nhĩ người nghe trở thành nỗi ám ảnh của hàng xóm, thì nay cái xe hơi to vật cũng đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều khu xóm nhỏ.

Trong con hẻm 97 trên đường Trường Chinh, phường 12, Tân Bình, hàng xóm thường xuyên phải đối diện với cái nỗi khổ tế nhị này. “Con hẻm này là hẻm cụt, ít người qua lại, nhưng trước nhà tôi thì một người chạy xe buýt, phía bên trong thì có ba nhà có xe, có nhà ba chiếc, mỗi lần chủ nhân về nhà thì hàng xóm chỉ còn nước nép mình nhường đường… gặp lúc nhiều xe cùng về một lượt cộng thêm xe hơi khách vào xóm là y như rằng kẹt đường… mà đâu phải lúc nào về họ cũng mang xe vào nhà, nhiều lúc họ để ngay trước nhà, xe máy muốn chạy phải lạng lách thấy phát sợ, mà khu vực này lại nhiều trẻ em nhìn cứ như sắp tai nạn… nói với họ cũng khó vì hàng xóm với nhau, họ ý thức lúc nào đỡ khổ lúc đó… Thôi một nhịn chín lành, biết sao hơn được”, anh Nguyễn Văn Học ngụ tại hẻm 97 kể vậy. Cái khó cái khổ vì tế nhị ít khi nói ra, nhưng gặp những nơi khó chịu thì y như rằng có kiện tụng. Khu xóm ngay chân cầu Chợ Cầu, Gò Vấp là một điển hình. Nguyên nhân xuất phát từ chuyện bãi đất trống trong khu dân cư bất ngờ được cho thuê. Người đến thuê liền mở ngay, một vựa bán đá xây dựng. Vậy là hàng ngày vài chục chuyến xe tải lớn nhỏ ra vào trong con hẻm. Ồn ào tấp nập đến mức cư dân trong xóm chẳng còn chỗ mà đi, tiếng ồn và bụi bặm đến mức họ phải đồng thanh làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng xin có biện pháp trả lại bình yên cho người dân.

Khu cư xá Kiến Thiết, Phú Nhuận, được xây dựng từ những năm 60. Do thiết kế ban đầu đường sá giao thông nhỏ, nên khi xã hội phát triển, xe hơi cũng xuất hiện nhiều, vậy là những con hẻm nhỏ trở nên quá tải so với những phương tiện giao thông cồng kềnh. Mỗi ngày vào giờ đi làm hay buổi chiều khi lượng xe hơi tập trung về, phần đường dành cho những loại phương tiện khác chỉ còn một phần nhỏ. Ai cũng khó chịu, bực bội nhưng lên tiếng phản ánh với chủ nhân thì chẳng ai muốn, rì rầm nhỏ to chia sẻ với nhau là chính. Cũng nhờ cái gọi là tình làng nghĩa xóm mà những nỗi bực bội không biến thành những trận đấu khẩu qua lại giữa hàng xóm với nhau.

Thương “xế” cũng phiền lòng nhau

Anh Nguyễn Linh, chủ một tiệm internet, trong một con hẻm nhỏ của đường Nguyễn Hồng Đào, phường 13, Tân Bình, kể, số là chủ nhân ngôi nhà sát bên của anh, một doanh nghiệp, có tới hai chiếc xe. Đất nhà thì rộng nên chủ nhân làm luôn garage trong nhà. Nhưng ngặt là chiều ngang con hẻm khu xóm chỉ có 5m, nên mỗi lần đưa xe ra vào garage là xe cộ đang lưu thông phải dừng lại nhường đường. Bình thường không sao, nhưng lúc có việc gấp thì bực không sao chịu được. Khó chịu nhất là lúc chủ nhà “tắm” cho xe. Họ rửa trong garage thì anh khổ với nước tràn ra hẻm, khách ra vào tiệm do đạp nước nên tiệm những lúc đó dơ không sao tả nổi. Có ngày để tiệm mình được sạch, vợ chồng anh phải lau. Hôm nào mà họ mang xe rửa ngay trước nhà thì hôm đó cả xóm chịu cực, ra vào gì cũng phải gặp nước vào nhà dơ hết, có lần thằng bé nhà tôi đi học về thấy người áo bị ướt, hỏi ra mới biết do chủ nhà kế bên rửa xe vô tình để vòi nước xịt ngay thằng nhỏ… Nói cũng khó, họ vô tình và có xin lỗi rồi, bỏ qua thôi… Xóm ngõ cũng mấy lần bàn chuyện tính góp ý, nhưng họ là người mới về xóm, nói không khéo lại mang tiếng là ép nhau, riết rồi cũng quen, thông cảm là chính… anh Linh than.

Còn với Quốc Tiền, ngụ trên đường Tân Quý, thì cái khổ với xe hàng xóm đơn giản vì tiếng ồn. “Chỗ để xe của họ sát vách nhà tôi, do là xe đời cũ nên hay bị hư vặt, mỗi lần mà tôi thấy có thợ mang đồ nghề tới là tôi sợ…”, Tiền kể. Cứ mỗi lần hư xe, là chủ xe kêu thợ tới nhà sửa cho chắc. Sửa thì không có gì, nhưng lúc sửa xong thì phải thử máy, vậy là ồn. Trung bình một lần thử máy kéo dài khoảng 30 phút, “thường họ sửa vào giấc chiều… ngồi trong nhà lâu lâu tiếng máy xe lại gầm lên, giật cả mình. Khổ nhất là lúc thằng con út đang ngủ, nghe tiếng máy gầm giật mình tỉnh luôn. Chắc họ cũng đâu có muốn xe hư, mình lên tiếng thấy cũng kỳ, mang tiếng khó tính, thôi thì chịu dựng chút rồi cũng xong…”, Tiền cười.

Trong cái hạnh phúc của người này lại kéo theo sự phiền hà cho người khác, cái quy luật ấy tưởng rất xa hoá ra gần ngay trước mắt mà mỗi người dân của thành phố này đều có thể cảm nhận. Trong xóm khổ đã đành, ra ngoài đối mặt hàng ngày với những cú ngoặt quay đầu xe gấp của giới taxi, cú tấp vào lề đón khách rồi lại ngoặt đầu xe trở ra giữa đường của xe buýt là nguyên nhân của biết bao vụ tai nạn, kẹt xe, đã và đang trở thành nỗi khổ không biết tỏ cùng ai của dân tình Sài Gòn. Cũng nhờ chính cái thói quen nhẫn nhịn mà những nỗi khổ ấy mới có điều kiện để tồn tại song song với sự phát triển. Bao giờ chấm dứt? Câu hỏi này hình như chưa có ai tìm ra câu trả lời.

Bài: Minh Triết
Minh hoạ: Hồng Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *