Khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội

* Ảnh: Cận cảnh tuyến đường sắt đô thị trị giá hơn 1 tỷ USD

Theo Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 12 nhà ga. phần đường sắt trên cao dài 8,5 km đi qua ga Nhổn – Minh Khai – phú Diễn – Cầu Diễn – Lê Đức Thọ – ĐH Quốc gia – Chùa Hà – Cầu Giấy và phần đi ngầm dài 4 km qua ga Kim Mã – Cát Linh – Văn Miếu – Ga Hà Nội. Các ga ngầm được thiết kế hiện đại, có thang máy và thang cuốn, thông gió, thoát nước, báo cháy tự động…

Lộ trình các ga này sẽ đi từ Nhổn – Cầu Diễn – Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy – Kim Mã – Núi trúc – Cát Linh – Quốc Tử Giám và kết thúc tại ga Hà Nội.

Ảnh: Tiến Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công tuyến đường sắt đô thị. Ảnh: Tiến Dũng.

Với chiều rộng đường ray là 1,435 mét, tốc độ trung bình của tàu là 37km/h, và vận tốc lớn nhất lên tới 80km/h. Nếu được thiết kế 4 toa 2 chiều, mỗi toa dài 20 mét, tàu có thể vận chuyển hơn 900 khách, và tăng thêm một toa nữa, tàu có thể vận chuyển hơn 1.100 người. Thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến chỉ mất chưa đến 20 phút, kể cả thời gian dừng đón, trả khách.

Tại 12 nhà ga trên toàn tuyến có các khu vực riêng rẽ giữa khách chưa thanh toán tiền và đã thanh toán tiền. Công nghệ soát vé sử dụng đồng xu hoặc thẻ thông minh mã hóa các thông tin về loại vé và giá tiền. Tất cả các thiết bị sẽ được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, công trình trị giá hơn 1 tỷ USD này sẽ phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của thủ đô, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

“Đẩy mạnh giao thông công cộng là yêu cầu bức xúc, sự trông đợi hàng ngày của nhân dân. Song song với dự án này, Hà Nội cần tìm mọi cách để khởi công các dự án giao thông công cộng khác. Chính phủ đã phê duyệt 5 tuyến đường sắt đô thị nhưng hiện mới chỉ có một tuyến được khởi công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện đúng yêu cầu về kiểm tra, giám sát để dự án được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, không xảy ra sự cố để đến năm 2015 đưa tuyến đường sắt đầu tiên của thủ đô đi vào hoạt động.

Ảnh: Tiến Dũng.
Mô hình nhà ga nổi của tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng.

Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thủ đô sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, cải thiện ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của tuyến đường sắt số 3 dài hơn 20 km, nối khu vực phía tây với trung tâm thành phố và phía nam (quận Hoàng Mai).

“trong tương lai, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị dài 284 km, kết nối với 8 đô thị vệ tinh. Hiện, 5 tuyến đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt và thành phố đã đề xuất thêm 3 tuyến”, ông Thảo cho biết thêm.

5 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt:
Tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh): kết nối khu vực ngoại thành phía đông bắc và nam Hà Nội.
Tuyến số 2 (Nội Bài – trung tâm thành phố – Thượng Đình): xương sống cho khu vực đô thị.
Tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội): nối khu vực phía tây với phía nam Hà Nội.
Tuyến số 4 (Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh): là tuyến kết nối với tuyến số 1, 2, 3 và 5.
Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc): kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc hành lang Láng – Hòa Lạc.

Tiến Dũng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *