Những lợi thế về du lịch và giao thông thuận lợi hiến cho nhiều nhà đầu tư và cư dân bản địa đổ xô vào xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng…để kinh doanh thu lợi. Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra với Sa Pa là làm sao vừa tạo thuận lợi trong cấp phép xây dựng và thu hút đầu tư, vừa đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy hoạch đô thị Sa Pa được phế duyệt.
Giá đất tăng chóng mặt
Sau hơn một năm kể từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai đi vào hoạt động, cho phép rút ngắn hành trình từ Hà Nội đến Sa Pa xuống bằng một nửa thời gian so với trước đó (khoảng 5 giờ) thì lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng đột biến. Trước khi khánh thành đường cao tốc, lượng du khách đến Sa Pa là hơn 600 nghìn lượt người, nhưng đến thời điểm này là khoảng 1,1 triệu lượt người, tức tăng gần 200%.
Nếu như trước đây, hơn 200 nhà nghỉ, khách sạn chỉ kín khách vào các dịp nghỉ lễ dài ngày như 30/4, 1/5, hay lễ quốc khánh 2/9 và dịp tết dương lịch…, thì từ cuối năm 2014 đến nay luôn luôn đông khách. Đặc biệt, mùa hè năm 2015, hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn luôn kín phòng bất kể ngày nào; kể cả chuẩn bị bước vào mùa đông, những khách sạn chất lượng cao và nằm ở khu trung tâm như Gren Bamboo, Hoàng Gia, Victoria, Châu Long,… cũng đã kín khách đặt trước hàng tháng. Bà Phạm Thị Lan, chủ một khách sạn nhỏ ở phố Cầu Mây (thị trấn Sa Pa) cho hay, Sa Pa hiện nay, mùa nào, ngày nào cũng có khách chứ không giống như trước đây chỉ có khách vào mấy tháng mùa hè.
Nắm bắt được thời cơ “vàng” này, các nhà đầu tư từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tp.HCM… đổ xô lên Sa Pa mua đất xây nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở vui chơi giải trí… làm cho giá đất tăng chóng mặt. Khảo sát của phóng viên cho thấy, đất Sa Pa hiện nay được phân theo các mức giá theo tùy vào từng khu vực khác nhau. Theo đó, khu vực từ đầu thị trấn đến ranh giới cổng chào vào nội thị có giá rẻ nhất và tính theo mét mặt đường; tiếp đó đến khu vực đồi cao xung quanh ga cáp treo lên Phan Xi Păng có giá bán theo khoảnh và lô đất; đắt nhất là khu vực phố cổ, nhà thờ và xung quanh khu hồ mới Xuân Viên, giá bán ở đây tính theo m2.
Được biết, giá đất giao dịch ngoài thị trường cao nhất là ở khu chợ cũ và Cầu Mây, vào khoảng 150 triệu đồng/m2; đứng thứ 2 là khu bờ hồ Xuân Viên, vào khoảng 25 triệu đồng/m2, tiếp đến là khu chợ mới khoảng 17 triệu đồng/m2; có giá thấp nhất là khu đầu thị trấn (nông trường cũ) và khu km 3, vào khoảng 10 triệu đồng/m2.
Siết chặt quản lý xây dựng theo quy hoạch ở Sa Pa
Vào thời điểm này, thị trấn Sa Pa sôi động như một đại công trường do tốc độ xây dựng gia tăng, nhất là dân cư ở các tuyến phố. Không ít gia đình đập bỏ nhà cũ để xây mới làm phòng nghỉ đón khách du lịch. Các chủ đầu tư ở nơi khác mua đất Sa Pa để đó, nay thấy cơ hội thuận lợi cũng nhanh chóng đổ tiền vào xây nhà nghỉ, khách sạn để kinh doanh kiếm lời. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sa Pa Đinh Tuấn Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay đã cấp 127 giấy phép xây dựng, so với năm 2014 tăng gấp 3 lần.
Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra với Sa Pa hiện nay là làm sao vừa cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp phép xây dựng và rút ngắn công sức, thời gian cho người dân, vừa bảo đảm tuân thủ quy hoạch đô thị Sa Pa đã được phê duyệt do Cộng hòa Pháp giúp khảo sát và quy hoạch có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho rằng, để thực hiện được như vậy, huyện sẽ siết chặt quản lý xây dựng ngay từ khi thẩm định hồ sơ cấp phép, đồng thời tăng cường hậu kiểm sau cấp phép và kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy chế đô thị Sa Pa. Cụ thể, phòng hạ tầng cử cán bộ soát xét và thẩm định kỹ hồ sơ xin cấp phép của hộ dân, nhằm bảo đảm đúng, đủ, rõ ràng trước khi trình lãnh đạo ký duyệt. Ngoài ra, huyện tổ chức Đội Quản lý quy tắc đô thị trực thuộc UBND huyện, thường xuyên kiểm tra, tuần soát việc xây dựng tuân theo giấy phép và quy chế đô thị đã công bố từ năm 2012. Do siết chặt quản lý và kiểm soát từ gốc trong lĩnh vực xây dựng đô thị nên đã ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp vi phạm phải xử lý hành chính, tháo dỡ công trình hoặc đình chỉ xây dựng.
Nhưng do tốc độ dân số tăng cơ học cao, trong khi đó một số tiêu chí của Quy chế đô thị Sa Pa còn bất cập, chẳng như về mật độ xây dựng và khoảng lùi ranh giới các phía lô đất ở khu đường Thạch Sơn và khu vực dải đô thị dọc chân núi Hàm Rồng còn chưa phù hợp với thực tế. Do đó, cần được lãnh đạo huyện Sa Pa và cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu, xử lý cho phù hợp với thực tiễn ở địa phương.
Theo BND