‘Không nên phá bỏ kiến trúc cây cầu biểu tượng thủ đô’

– Ngành đường sắt chủ trương khôi phục cầu Long Biên theo hướng phục vụ giao thông đô thị và có thể hệ thống đường ray được coi là biểu tượng văn hóa của người Hà Nội sẽ bị dỡ bỏ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

– Việc khôi phục và gìn giữ cầu Long Biên là nhiệm vụ của những ai yêu mến Hà Nội. Theo tôi, khôi phục đồng nghĩa với đưa Long Biên trở về nguyên trạng hình dáng kiến trúc, chức năng giao thông và vị thế trong không gian phát triển đô thị. Long Biên sẽ không còn là chính nó nếu bị biến thành “hiện vật bảo tàng”.

Phát triển đường sắt đô thị không có nghĩa là phải xóa bỏ chức năng của đường sắt vùng và Long Biên vẫn còn có thể tiếp tục giữ vai trò là cây cầu phục vụ đường sắt nhẹ trong vùng thủ đô Hà Nội với bán kính phục vụ khoảng 50-80 km.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tài trợ cho thành phố Hà Nội và ngành đường sắt một dự án đường sắt vùng gồm hai tuyến Long Biên – Bắc Ninh và Long Biên – Đông Anh. Trong báo cáo giữa kỳ của tư vấn Nhật Bản chuẩn bị cho thiết kế kỹ thuật của tuyến đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi, nhóm tư vấn Nhật Bản cũng đề xuất đưa tuyến đường sắt đô thị ra cách xa cầu Long Biên về phía thượng lưu sông Hồng 200 mét. Ý kiến này cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét mặc dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không đồng ý.

Phía Hà Nội thì chưa có ý kiến chính thức đối với đề xuất cùa tư vấn Nhật Bản, tuy nhiên tôi tin rằng họ sẽ lắng nghe và phân tích kỹ lưỡng ý kiến của các bên. Tất nhiên, Hà Nội cũng nên cân nhắc dự án với Liên minh châu Âu.

xuất điều chỉnh hướng tuyến cục bộ tuyến ĐSĐT Yên Viên –Ngọc Hồi của tư vấn JICA
Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến cục bộ tuyến ĐSĐT Yên Viên -Ngọc Hồi của tư vấn JICA. Ảnh: TS. Khuất Việt Hùng

– Trong phương án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị mới đây, vị trí cầu đường sắt mới chỉ cách cầu Long Biên 30m thay vì 200 m như đề xuất của phía Nhật Bản. Ông nói gì về phương án này?

– Tôi cũng mới được tham khảo bản vẽ hướng tuyến trong báo cáo Nghiên cứu khả thi của ngành đường sắt về tuyến đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi. Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi đơn vị tư vấn đề xuất vị trí của cây cầu dành cho tuyến đường sắt đô thị chỉ cách cầu Long Biên có 30m về phía thượng lưu.

Có lẽ đây là phương án tiết kiệm hơn về chi phí, nhưng thực sự nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan của cầu Long Biên. Hơn nữa, mặc dù chưa có điều kiện tìm hiểu phân tích sâu về điều kiện thủy văn và đặc tính của phù sa sông Hồng nhưng có lẽ với khoảng cách 30m, đặc tính dòng chảy sẽ có những thay đổi nhất định.

Tôi hy vọng, tư vấn Nhật Bản nghiên cứu kỹ để bảo vệ quan điểm đưa cầu đường sắt đô thị rời xa về phía thượng lưu tối thiểu là 200 m. Nhật Bản có kinh nghiệm rất quý báu trong quá trình phát triển tích hợp giao thông và đô thị cho nên chúng ta hy vọng những ý kiến của họ sẽ là một tham khảo đáng được xem xét.

Cầu Long Biên trong quá khứ. Ảnh tư liệu
TS Khuất Việt Hùng cho rằng, nên khôi phục cầu Long Biên theo kiến trúc của kỹ sư Eiffel. Ảnh tư liệu

Ngoài phương án đã được đơn vị tư vấn lựa chọn, có phương án nào khả thi hơn trong việc khôi phục cầu Long Biên?

– Theo tôi, với quá trình phát triển hai bên bờ sông Hồng, cầu Long Biên vẫn sẽ trở thành một cây cầu trong trung tâm đô thị Hà Nội. Vì thế, cần khôi phục lại kiến trúc nguyên bản của Long Biên theo thiết kế của kỹ sư Eiffel, người Pháp. Chức năng giao thông của Long Biên chỉ nên dành cho đường sắt nhẹ và phương tiện phi cơ giới (xe đạp và đi bộ).

Hiện cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy đã thông xe, thành phố nên đưa xe máy trở về cầu Chương Dương, xe tải sang cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Hãy trả lại cho Long Biên với “dáng xưa yêu kiều” soi bóng Hồng Hà, hòa nhịp cùng với phố cổ đón mừng ngày sinh nhật thứ 1.000 của thủ đô.

Cầu Long Biên được người Pháp xây dựng từ năm 1898. Trong những năm 1898-1903 chỉ có xe lửa chạy giữa và 2 bên là đường bộ hành. Sau đó 3 năm tiếp theo mới mở dần ra hai bên và đến năm 1930 xe ôtô mới được phép qua cầu.

Hiện nhiều mấu trụ cầu bị hư hỏng, xuống cấp. Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu phương án khôi phục cây cầu là biểu tượng văn hóa của người Hà Nội này.

Xuân Tùng thực hiện (theo vnexpress)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *