Vừa qua, trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm kiến trúc xây dựng thuộc trường Đại học Kiến trúc Tp Hồ Chí Minh đã trình lãnh đạo Tp Cần Thơ đồ án quy hoạch điều chỉnh tỷ lệ 1/2000 khu đô thị (KĐT) Nam Cần Thơ lần thứ 3. Đồ án điều chỉnh xác định tính chất, chức năng đô thị, các chỉ tiêu kết cấu hạ tầng, chỉ tiêu sử dụng đất, định hướng phát triển không gian phù hợp với đô thị loại I với tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững đến năm 2030. Lần thông qua này được lãnh đạo thành phố thống nhất theo phương án đề xuất của tác giả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến đóng góp thiết thực để tiếp tục hoàn thiện đồ án quy hoạch điều chỉnh này…
phát thảo đô thị hiện đại
phạm vi điều chỉnh quy hoạch có diện tích 2.081ha thuộc địa giới hành chính các phường Hưng phú, Hưng Thạnh, phú Thứ, Tân phú, thuộc quận Cái Răng. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm xác định rõ mối quan hệ của trong tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, đặc biệt chú trọng sự kết nối với không gian của KĐT hiện hữu (quận Ninh Kiều) dọc theo hai bên sông Cần Thơ.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp kết nối quy hoạch KĐT Nam Cần Thơ, khu vực phát triển cảng, khu công nghiệp phía Nam thành phố và các khu vực lân cận; tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hoàn chỉnh; tạo dựng hình ảnh KĐT mới dọc theo hai bờ sông Cần Thơ theo hướng hiện đại, kết hợp với những đặc điểm truyền thống phù hợp với thói quen sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, cũng xác định tiến trình phát triển và hoàn thiện xây dựng KĐT Nam Cần Thơ trên cơ sở hợp lý quy trình và tính khả thi về tài chính.
phối cảnh tổng thể KĐT Nam sông Cần Thơ. |
Thạc sĩ kiến trúc Hồ Viết Vinh, trường Đại học Kiến trúc Tp Hồ Chí Minh, tác giả đồ án điều chỉnh quy hoạch KĐT Nam Cần Thơ, cho biết: Về tính chất đô thị này sẽ là khu trung tâm mới, hiện đại, với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.
KĐT Nam Cần Thơ có cấu trúc không gian hiện đại, hòa hợp với không gian cảnh quan của cầu Cần Thơ, tạo động lực tăng trưởng và phát triển thành phố ngang tầm với các đô thị loại I, cấp quốc gia. Nguyên tắc điều chỉnh là giữ lại cấu trúc các dự án xây dựng khu dân cư hiện có, phát triển ổn định, nhằm tránh gây ra sự xáo trộn trong cuộc sống của người dân.
KĐT mới được điều chỉnh có tổng diện tích xây dựng trên 1,5 triệu mét vuông sàn, có thể đảm bảo mỗi ngày cho 150.000 dân sinh sống; 50.000 người làm việc và 50.000 khách vãng lai…
Ông trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND Tp Cần Thơ, cho biết: Tp Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng đến năm 2030. Các mục tiêu được nhấn mạnh trong lần điều chỉnh này là KĐT Nam Cần Thơ phải là trung tâm đa chức năng có tính chất phục vụ cho cả vùng ĐBSCL.
trong đó, chú trọng phát triển thương mại-dịch vụ, khu dân cư ở các trục đường chính; phát triển cảng, dịch vụ hậu cần logistics cụm cảng Cái Cui và phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao tại các khu công nghiệp: Hưng phú 1, Hưng phú 2, Hưng phú 2A; phát triển du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng ở khu vực ven sông Hậu với quy mô dân số vào năm 2030 đạt 150.000 dân.
Ông trần Thanh Hoàng, trưởng Ban quản lý khu đô thị mới Nam Cần Thơ, cho biết thêm: KĐT mới này đang có 16 dự án khu dân cư đang được triển khai với diện tích khoảng 620ha, tương đương 18.000 căn hộ. Ngoài ra, còn có 4 khu tái định cư với diện tích hơn 333ha, tương đương hơn 6.400 lô nền.
Theo Quyết định 207/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thành phố Cần Thơ đến năm 2025 đã xác định khu vực này sẽ trở thành KĐT cảng-công nghiệp lớn của Tp Cần Thơ.
Nhiều ý kiến cho quy hoạch nam Cần Thơ
Kiến trúc sư trần Kiều Định, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp Cần Thơ, thống nhất cao với tính chất của một đô thị sông nước theo phương án của tác giả. Nhưng theo ông, thực tế tỷ lệ sử dụng mặt nước theo quy hoạch chỉ 3,4% thấp hơn mật độ sông rạch tự nhiên, như vậy liệu có hợp lý, nhất là vấn đề thoát nước.
Hồ điều hòa có được tính đến nhưng bố trí ra sao cho phù hợp? Còn về việc bố trí nhà ở: Cần tính toán lại chung cư chiếm bao nhiêu phần trăm diện tích, tỷ lệ chung cư 5 tầng hay 12-20 tầng, loại nào phù hợp? Liệu xây dựng nhà ở, dự kiến từ 2020 – 2030 tầng cao 12-15 liệu người dân có đủ tiền mua, nhà đầu tư cũng sẽ xem xét hiệu quả đầu tư… Chính vì vậy, nên quy hoạch phải sao có khả thi, phù hợp với thực tế và có định hướng sát sườn hơn.
Ông Đinh Văn Thảo, phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố, thống nhất nâng trục đường chính từ 47m lên 72m. Cũng như cần đặt nhiều bến xe buýt, bến tàu, bến xe làm sao cho thuận tiện cho việc đi lại của người dân… Đồng thời đề xuất, cần nghiên cứu mở rộng cầu Quang trung thêm 1 đơn nguyên nữa. Cầu trần Hoàng Na cần xem xét, nhưng không nên là cầu đồng mức, mà là cầu vượt. Cầu Xóm Chài độ thông thuyền bằng cầu Quang trung, để đảm bảo giao thông, kiến trúc, cảnh quan…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Tấn Quyên, đánh giá: So với 2 lần thông qua trước, lần này tác giả đã cũng như thể hiện khoa học hơn, cũng như thể hiện được quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố. Tuy nhiên, cần lưu ý khi Tp Cần Thơ thành đô thị loại I, đây là khu đô thị mới diện tích 2.000 ha, có thể so sánh với khu phú Mỹ Hưng, khu Thủ Thiêm (Tp Hồ Chí Minh) hay Sơn trà (Tp Đà Nẵng)…
Tính chất khu đô thị này là khu đa chức năng, nên cần thể hiện rõ các tiêu chí này. KĐT mới được phân ra 30 vị trí các khu chức năng cơ bản hợp lý. Nhưng cần lưu ý, khu đô thị này liền kề khu công nghiệp Hưng phú 1-2, Cảng Cái Cui phía hạ lưu sông Hậu nên có quy định những ngành công nghiệp nào được vào để quản lý chặt chẽ…
Chủ tịch UBND thành phố trần Thanh Mẫn, đề xuất thêm: Quy mô KĐT hiện nay là 2.081ha, nhưng hiện tại đất dự phòng còn 1.000 ha, do đó cần mở rộng ra lên trên 3.000 ha để mở rộng quy mô, bởi thực tế quận Ninh Kiều có diện tích trên 2.000ha nhưng đã quá chật.
Về giao thông cũng nên tính đến hệ thống giao thông vượt trên không. Các trung tâm thương mại trên sông như chợ nổi phong Điền, Cái Răng – đây là nét đặc trưng của ĐBSCL… Ngoài ra, cần bố trí khu nhà hát, quảng trường, trung tâm hội nghị quốc tế…
Với quan điểm giữ lại sông rạch, nguyên Bí thư Thành ủy Tp Cần Thơ Lê Nam Giới, nói: Người dân đồng bằng nơi đâu cũng cất nhà quay ra sông, phía trước nhà có đường giao thông – một kiến trúc đẹp tự nhiên. Từ bến Ninh Kiều hay kinh xáng Xà No đang thực hiện chủ trương làm kè và giải tỏa nhà dọc sông.
Để đảm bảo là KĐT mới, mang bản sắc đô thị vùng sông nước, cần quy hoạch KĐT mang đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL, phải đảm bảo giữ được các dòng sông. trong khi, thực tế rất nhiều dự án lấp kinh rạch để tạo thêm quỹ đất kinh doanh là điều không hợp lý và cần ngăn chặn… Về hệ thống giao thông, một KĐT tới 2.000 ha có quốc lộ 1, đường Nam sông Hậu đi qua, như “trái tim” của quận Cái Răng – của thành phố.
Do đó phải xử lý ngay vấn đề giao thông sao cho hợp lý, để vừa khai thác hiệu quả vừa giảm thiểu sự nguy hiểm cho người dân đi lại và cũng phù hợp với định hướng dịch chuyển thành phố về phía Nam…
Theo Thạc sĩ kiến trúc Hồ Viết Vinh, tác giả đồ án điều chỉnh quy hoạch KĐT Nam Cần Thơ, ý tưởng đô thị hiện đại là “sống chậm” – hiện đại mà tiện nghi; cảm nhận cuộc sống chậm, nét truyền thống.
Nhà ở 30 tầng mà không đánh mất văn hóa – là điều được thể hiện trong điều chỉnh quy hoạch lần này. Tiện nghi nhưng đời sống tinh thần thoải mái để mối liên kết cộng đồng xuyên suốt trong đời sống, ký ức của người dân. Không gian không chỉ là công viên cây xanh, mà phải nhớ đến ký ức. Đời sống người dân được quan tâm, khi khó khăn người dân cần đến đó là chính quyền địa phương – từ cái nhỏ xuyên suốt đến cái lớn.
Điểm nhấn đó là cho lợi ích cộng đồng, ký ức sống đặc trưng cho KĐT mới. “Đối với đồ án này, chúng tôi sẽ xây dựng sao cho mềm mại phù hợp với văn hóa, đời sống người dân nơi đây…” – Thạc sĩ kiến trúc Hồ Viết Vinh cho biết thêm.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong quý I năm 2010, tuyến quốc lộ Nam sông Hậu từ Tp Cần Thơ đến tỉnh Bạc Liêu (ngang qua KĐT Nam Cần Thơ) sẽ thông xe, cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành. Cùng thời gian này các tuyến đường kết nối KĐT Nam Cần Thơ và trung tâm thành phố như cầu Hưng Lợi, cầu Cái Răng Bé, quốc lộ 91B… sẽ hoàn thành. Giao thông không còn cách trở sẽ là điều kiện cần thiết vực dậy tiềm năng phát triển cho KĐT này.
Dự án xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn 2 cũng sẽ hoàn thành vào năm 2012, khi đó cảng này sẽ đủ sức bốc dỡ cho tàu 20.000 DWT, các doanh nghiệp trong vùng có thể xuất nhập khẩu hàng hóa đến nhiều quốc gia mà không phải trung chuyển về cảng Sài Gòn… Đây là một động lực quan trọng để KĐT Nam Cần Thơ trở thành trung tâm giao thương của cả vùng…
DiaOcOnline.vn – Theo