Sáng 28.2, hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chương trình phát triển nhà ở và các giải pháp thực hiện hiệu quả”. Mặc dù có nhiều ý kiến tham luận đưa ra nhiều giải pháp, song nhìn chung vẫn chưa cho thấy được “hướng ra” nào dành cho các dự án, chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp. “Đây là vấn đề nóng bỏng và đang được chính phủ quan tâm …”, thứ trưởng bộ Xây dựng, chủ tịch hiệp hội BĐS VN, ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh trong buổi hội thảo.
Nhu cầu nhà ở tăng mạnh
Hiện nay tiêu chí nhà giá rẻ vẫn chưa quy định định rõ nhà thương mại hay nhà xã hội. Ảnh minh hoạ: Hồng Thái |
Theo số liệu của Cục quản lý nhà (bộ Xây dựng), mỗi năm diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 30 triệu m2, riêng trong năm 2008 con số này là 50 triệu m2. Tuy nhiên, thị trường nhà ở chỉ chú trọng vào nhóm nhà ở cao cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ở của những người đang có mức số thấp, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng tăng. Chỉ tính riêng khối sinh viên, trong khoảng 600 trường đại học và cao đẳng, dự kiến đến năm 2015, tổng số sinh viên có thể lên đến con số gần 3 triệu. Dự kiến tổng vốn đầu tư để giải quyết nhà ở dự kiến là 21.000 tỷ đồng. Về khối công nhân lao động, trong 194 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, hiện có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,5 triệu lao động gián tiếp. Trong số đó, khoảng 20% có nhà ở, 2% công nhân được ở trong các nhà trọ đàng hoàng. Trên 30% các hộ gia đình có nhà ở dưới 36m2.
Nhu cầu nhà ở đối với những hộ dân lao động, người có mức thu nhập thấp hiện nay là rất cần thiết, tuy nhiên khả năng thanh toán lại hạn chế. Đối với sinh viên, nhà nước nên đầu tư xây dựng nhà cho thuê, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng với những chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng hoặc còn có thể giao về cho các trường. “Với đối tượng người nghèo, nên thực hiện phương thức xã hội hóa. Như hiện nay tiêu chí nhà giá rẻ vẫn chưa quy định định rõ nhà thương mại hay nhà xã hội…”, ông Nguyễn Trọng Ninh, phó cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đưa ra ý kiến.
Theo nhận định của ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 2 triệu cán bộ công chức, trong đó khoảng 2/3 có nhà riêng. Những người có nhà đa số là sở hữu từ năm 1972, cư ngụ trong các chung cư được xây dựng từ năm 1962. Số còn lại khoảng 1/3 cán bộ công chức chưa có nhà, phải ở nhờ cha mẹ. Còn đối với công nhân lao động, trong khoảng 1 triệu lao động tại các KCN, 70% là lao động nhập cư, trên 90% đang cư trú trong nhà trọ, chỉ khoảng 5-7% là được sống trong các nhà trọ do doanh nghiệp xây dựng. Theo ông Chính, bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách về nhà ở còn tạm bợ, chưa đi vào cuộc sống.
Quy định thoáng sẽ có nhà xã hội tốt
Trình bày giải pháp của mình, ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch tổng liên đoàn lao động VN, cho rằng đối với những hộ đang kinh doanh nhà trọ công nhân xây dựng trên đất nông nghiệp, nếu họ có sự đầu tư, chăm sóc tốt cho môi trường sống công nhân và phù hợp với quy hoạch thì cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, giảm hoặc miễn thuế môn bài, vay vốn với lãi suất thấp… Khuyến khích các chủ đầu tư nhà trọ nâng cấp môi trường sống cho công nhân. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, bộ Xây dựng nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua (nhà trả góp) bằng cách xã hội hóa và thành lập một bộ phận quản lý chương trình này. Cũng theo ông Châu, cái khó nhất của thị trường nhà ở giá rẻ là việc tạo quỹ đất. Những chênh lệch về địa tô chưa được phân chia đồng đều, khi phần lớn đều rơi vào tay doanh nghiệp. Mức chênh lệch địa tô cần được chia đồng đều cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Giá trị đất tăng lên là do nhà nước đầu tư vào hạ tầng giao thông, quy hoạch. Phần chênh lệch lớn nhất về địa tô là của nhà nước. Chênh lệch địa tô này nhà nước đáng được hưởng 50%. Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội cụ thể như giảm thuế thu nhập doanh ngiệp, giá trị gia tăng, tạo điều kiện tiếp cận vốn, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được vay tiền với lãi suất thấp và thời gian trả nợ được kéo dài hơn. TS. Phạm Hùng, phó giám đốc học viện Chính trị Hành chính quốc gia khu vực II có ý kiến rằng, muốn phát triển nhà ở xã hội nên có chính sách phù hợp, công khai hóa chiến lược phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp tham gia. Nhà nước muốn tạo lập nhà ở cho sinh viên công nhân, thì nhà nước phải đi đầu trong chiến dịch này, vì đây là trách nhiệm của nhà nước. Thậm chí nhà nước phải chịu thiệt khi đứng ra đền bù giải tỏa, tạo quỹ nhà mà không nên đề cập đến vấn đề lợi nhuận.
Bà Đỗ Thị Loan, tổng thư ký hiệp hội BĐS TP.HCM nhận xét, khi nói đến nhà ở xã hội, cả nhà nước lẫn doanh nghiệp đều than khó về quỹ đất. Tuy nhiên thực tế TP.HCM lại giao quá nhiều đất cho các doanh nghiệp, nên khi thực hiện nhà ở xã hội không còn. Nhiều doanh nghiệp làm dự án, nền đất ở sang tay 10 – 20 lần nhưng vẫn trong tình trạng cỏ mọc um tùm, hiện tượng này tạo lãng phí rất lớn. Thứ trưởng Nam cho biết các vấn đề về cơ chế nhà nước sẽ có thay đổi, như thủ tục hành chánh sẽ rút ngắn xuống còn 3 bước, chỉnh sửa một số Luật như luật Đấu thầu, luật Xây dựng… Các quy trình về xây dựng cũng đang được điều chỉnh sửa như huy động vốn, chuyển giao dự án… Trước đây đã từng có dự án quỹ tiết kiệm nhà ở, trích lại lương của người lao động để hỗ trợ mua nhà, nhưng dự án này phá sản do gặp cơn khủng hoảng. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình nhà giá rẻ tại TP.HCM và Hà Nội, dự kiến khoảng 7 triệu đồng/m2, hiện dự án này đang được gửi lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến sẽ trình chính phủ trong tháng 3/2009.
M.Tr