Thời gian gần đây, tình trạng khai thác đất đen (lớp đất trên mặt, có độ mùn cao) đang gia tăng ở các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa (Long An). Dọc theo tuyến quốc lộ 62 từ xã Kiến Bình (Tân Thạnh) có rất nhiều bãi đất đen được tập kết ven đường. Theo anh Nguyễn Văn Minh – người khai thác đất đen ở Kiến Bình thì số đất này anh mua lại của chủ thầu khai thác đất hầm. Sau đó cày, xới, băm nhuyễn rồi đem bán làm phân vi sinh tại TP.HCM và Bình Dương. Anh Minh cũng cho biết thêm, anh đưa một số công nhân từ An Giang lên để phụ vận chuyển cũng như cày xới đất đen những lúc việc nhiều phải thuê mướn công nhân địa phương. Anh Nguyễn Văn Út, ngụ xã Thạnh Phú (Thạnh Hóa-Long An) cho biết, đã làm việc ở đây với anh Minh hơn 1 năm. Hiện mỗi công nhân có thu nhập khoảng 120 ngàn đồng/ngày. Không riêng gì anh Minh, một số người khác cũng đang tìm mua lại lớp đất đen của chủ thầu khai thác hầm để làm phân vi sinh. Đây là nghề mới nhưng lợi nhuận đem lại khá cao. Tuy nhiên, khi các chủ thầu khai thác đất hầm không đáp ứng đủ nhu cầu đất đen thì người mua đất đen lại tìm mua của người nông dân với giá cả thỏa thuận để khai thác lớp đất mặt có chứa chất mùn này. Phần lớn người dân đồng ý bán lớp đất mặt với giá từ 15-18 triệu đồng/hecta, với điều kiện khai thác sâu xuống 1,5m. Đây là một việc làm ảnh hưởng đến môi trường vì nếu lấy đi lớp mùn trên mặt đất sẽ dễ bị xì phèn, gây tình trạng bạc màu và ảnh hưởng đến cây trồng xung quanh khu vực. Qua đây, các ngành chức năng tỉnh Long An nên điều, xem xét, xử lý tình trạng trên, tránh ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường./. |
Long An: Cần ngăn chặn tình trạng khai thác đất đen, gây ảnh hưởng môi trường sinh thái
17