đã có nhiều nước châu âu bổ sung thêm điều khoản về “chống lại ô nhiễm do ánh sáng nhân tạo” vào các văn bản pháp quy của nước mình. mới đây, các chuyên gia đã nhóm họp tại đài thiên văn meudon (ngoại ô paris, pháp) để bàn thảo về vấn đề này. họ chọn nơi đây cũng có một ý nghĩa của nó: đây là một đài quan sát được xây từ năm 1876, và màn đêm rất “đậm” nơi đây đã giúp các nhà thiên văn quan sát được bầu trời đêm một cách “thuần khiết” nhất. nhưng ở thời điểm hiện nay, không gian nơi đây đã bị “bao phủ” suốt đêm bằng một thứ ánh sáng vàng đục – hậu quả trực tiếp từ việc chiếu sáng ban đêm tại nội đô thủ đô paris gần đó. đây cũng là một tình trạng mà chúng ta thường bắt gặp tại nhiều khu vực ngoại vi các thành phố lớn.
theo đánh giá chuyên môn, tại châu âu, việc chiếu sáng ban đêm tăng đều khoảng 5% mỗi năm và từ đó, ánh sáng đèn đã “che khuất” khoảng 90% các vì sao trên bầu trời châu âu. thêm vào đó, theo chuyên gia sinh thái học marc thery, “cho dù ánh sáng nhân tạo này có vai trò dẫn dụ hay xua đuổi, thì chúng cũng làm mất phương hướng nhiều loại côn trùng và bò sát, nhất là gây tác hại nghiêm trọng đến các loài chim di cư, vốn chỉ định hướng theo các vì sao”.
các nghiên cứu mới đây về thực vật cũng chỉ ra rằng “có những tác hại nhất định lên quá trình sinh trưởng và ra hoa của nhiều loài cây”. đặc biệt, tác hại đến sức khoẻ và sinh lý của con người từ hiện tượng “ban đêm quá sáng đèn” này cũng được nhắc đến, tuy chưa có những nghiên cứu cụ thể. và cũng không bỏ qua một nét văn hoá từ ngàn xưa của con người là thích ngắm trăng và sao đêm. từ đó, nhà vật lý thiên văn andré brahic đã lên tiếng: “chúng ta cần nhanh chóng thắp sáng lại dãy ngân hà cho cuộc sống của chúng ta”.