Lùi thời hạn thu phí xây dựng





Ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Ban kinh tế – ngân sách (HĐND TP) cho biết, Thường trực HĐND TP đã đồng ý với đề xuất giãn thu phí xây dựng tại một số huyện thuộc TP Hà Nội cho tới cuối năm 2009. Đây được xem như giải pháp kích cầu xây dựng của thành phố, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội cải thiện chỗ ở.


Vùng khó khăn thêm khó


Theo Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND của UBND TP ban hành, có hiệu lực từ 19/1/2009, người dân, bất kể ở địa bàn mới hợp nhất hay khu vực Hà Nội trước mở rộng, khi tiến hành hoạt động xây dựng, đều phải nộp phí. Tùy theo khu vực đô thị hóa mạnh hay vừa, mức phí cũng linh hoạt, dao động từ 0,1 tới 0,5% tổng chi phí xây dựng công trình. Quyết định này là bước hiện thực hóa chủ trương đã được HĐND TP quyết nghị tại kỳ họp cuối năm 2008. Điều đáng nói là, trong khi người dân Hà Nội trước mở rộng đã quen với loại phí này, thì, những cư dân mới trở thành người Hà Nội từ 1/8/2008, lại tỏ ra băn khoăn nếu phải đóng phí theo quy định này, nhất là ở những huyện kinh tế còn nhiều khó khăn như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa…


Ngay khi chính sách mới có hiệu lực, đã có ý kiến phản ánh từ phía người dân về sự bất hợp lý của việc phải đóng phí xây dựng. Người dân ở các vùng mới hợp nhất cho rằng, trong lúc kinh tế khó khăn, nếu phải đóng thêm phí xây dựng lên đến tiền triệu là điều chưa hợp lý. Mức phí xây dựng, dù không phải là khoản chi phí quá lớn, song cũng ít nhiều ảnh hưởng tới nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở của người dân.


Giãn thu đến hết năm 2009


Sau khi có thông tin phản hồi từ phía người dân, UBND TP đã yêu cầu các ngành chức năng vào cuộc để tìm cách tháo gỡ quy định chưa hợp lý này. Liên ngành Xây dựng – Cục Thuế – Tài chính đã rà soát và đưa ra đánh giá “phí xây dựng là khoản chi đáng kể đối với hộ gia đình xây dựng nhà ở”. Liên ngành đề nghị UBND TP điều chỉnh chính sách thu phí cho phù hợp với tình hình hiện tại. Theo đề xuất của liên ngành, sẽ giãn thu phí xây dựng đến hết tháng 12/2009 đối với cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các huyện thuộc khu vực 3 gồm Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Ba Vì, Mê Linh và các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tập trung. Ngoài ra, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, nhà tái định cư phục vụ GPMB sẽ không phải nộp phí xây dựng.


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển, Thành phố cơ bản thống nhất với đề xuất của liên ngành bởi nó hoàn toàn phù hợp với chủ trương đảm bảo an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu bổ sung thêm huyện Sóc Sơn vào danh sách được giãn nộp phí xây dựng tới hết năm 2009. Về mặt pháp lý, quyết định hoãn thu hay điều chỉnh mức phí lại thuộc thẩm quyền của HĐND TP hoặc Thường trực HĐND TP, bởi chủ trương thu phí được chính HĐND phê duyệt.


Nhiều ý kiến cho rằng, hoãn thu hoặc điều chỉnh giảm mức phí rõ ràng là chủ trương hợp lòng dân. Tuy vậy, đây cũng là việc phải tiến hành khẩn trương, bởi nếu kéo dài, ý nghĩa của việc khoan sức dân sẽ bị giảm sút. Chờ tới kỳ họp giữa năm của HĐND TP (dự kiến diễn ra giữa tháng 7/2009) thì quá lâu, nên, trong trường hợp này, các đề xuất điều chỉnh của UBND TP (phản ánh nguyện vọng của người dân) hoàn toàn có thể được Thường trực HĐND TP xem xét, phê chuẩn.


Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế – ngân sách (HĐND TP Hà Nội) cho biết, sau khi xem xét, Thường trực HĐND TP đã đồng ý với đề xuất của UBND TP đề việc giãn thu phí xây dựng. Sau khi Thường trực HĐND TP đồng ý, Chủ tịch UBND TP sẽ ban hành quyết định để cụ thể hóa chủ trương này. Việc giãn thu phí giờ chỉ còn chờ quyết định hành chính của UBND TP.


Vừa qua, Văn phòng UBND TP đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND TP, giao Sở Tài chính tổng hợp, dự thảo Quyết định của UBND TP về điều chỉnh chính sách thu phí xây dựng, trình Chủ tịch UBND TP ký, ban hành.


Như vây, sắp tới, người dân các địa phương còn nhiều khó khăn nêu trên sẽđược miễn đóng phí xây dựng.


(Theo KTĐT)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *