Mẫu nhà cho người thu nhập thấp





Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex, Cty TNHH Địa ốc Đất Lành và Viện Khoa học công nghệ XD – Bộ XD “hiến kế” ra đời một mẫu nhà cho người thu nhập thấp phù hợp nhất.


Bên cạnh việc chia nhỏ nhà để bán rất thành công mà Cty Đất Lành đã thực hiện thì mô hình nhà lắp ghép bằng các cấu kiện bêtông đúc sẵn mà Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex đang triển khai được đánh giá là rất khả quan cả về giá thành và tiến độ xây dựng. Thực tế trên cho thấy rất có thể sau gần nửa thế kỷ không còn được coi trọng, nhà lắp ghép bằng bêtông đúc sẵn đang chuẩn bị quay lại và có nhiều triển vọng là cứu cánh cho việc phát triển nhà ở nhanh, rẻ hơn so với phương pháp xây dựng thông thường hiện nay.








Nhà ở cho người thu nhập thấp hiện vẫn là một bài toán đang đi tìm lời giải.

Nhà ở cho người thu nhập thấp hiện vẫn là một bài toán khó

Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex là nơi sản xuất toàn bộ các cấu kiện bêtông cho việc lắp ghép các khu nhà chung cư cũ của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước từ nửa thế kỷ trước. Sau khi nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ mới của Châu Âu, Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex đã chính thức xuất xưởng khu nhà ở lắp ghép giá khá rẻ bằng bêtông đúc sẵn tại Xuân Mai – Hà Nội vào năm 2007. Mỗi căn hộ rộng 51 m2 được bán tới tay người tiêu dùng với giá 150 triệu đồng (bao gồm đầy đủ điện nước, bình nóng lạnh …). Năm 2008 Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex tiếp tục xây dựng lô nhà ở thứ 2 cũng tại Xuân Mai với giá 190 triệu đồng/căn hộ/51 m2 với đầy đủ tủ bếp, bình nóng lạnh, cửa nhôm kính cao cấp…


Phương pháp lắp ghép bêtông nói trên cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội cả về tiến độ thi công và giá thành xây dựng. Công nghệ bêtông dự ứng lực cho phép giảm 50% nguyên vật liệu mà vẫn đảm bảo độ cứng vững cần thiết. Việc giảm 50% vật liệu cho phép tải trọng công trình và tiết kiệm rất nhiều trong việc xây dựng móng nhà. Toàn bộ các vách ngăn trước đây được xây bằng gạch nung đều được chuyển sang gạch block không nung và cũng giảm được trên 50% trọng lượng. Đặc biệt công nghệ lắp ghép nói trên cho phép xây dựng rất nhanh các khu nhà ở. Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex chỉ mất 6 tháng để đúc và lắp dựng xong phần kết cấu bao gồm dầm, cột và sàn của 14 block nhà cho công nhân tại Kim Chung – Vĩnh Phúc. Mỗi block nói trên có diện tích 3200 m2. Với tổng diện tích 14 block lên tới 44.800 m2 hoàn thành chỉ trong 6 tháng. Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex cho biết: Hiện nay mỗi năm Cty có thể sản xuất đủ cấu kiện bêtông cho việc lắp ráp 1,2 triệu m2 nhà ở.


Tại TP HCM, Cty Đất Lành cũng là DN đi tiên phong trong việc xây dựng các chung cư có diện tích vừa phải khoảng 50 m2/căn hộ. Đây là phân khúc có nhu cầu rất lớn của thị trường bất động sản song thời gian qua lại ít DN đầu tư.


Ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nhiều lần thừa nhận với báo chí, phân khúc thị trường nhà ở xã hội (NXH) gần như bỏ ngỏ. Cũng theo ông Nam, mỗi năm, cả nước tăng bình quân diện tích nhà ở trên 30 triệu mét vuông. Tuy nhiên trong thực tế số m2 nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp là rất ít nếu không nói người thu nhập thấp không thể với tới. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của hàng triệu cán bộ công chức, CNLĐ, sinh viên và những người có thu nhập thấp lại ngày càng tăng.


Tại TP HCM, mô hình chung cư tái định cư tại khu vực Tân Hóa Lò Gốm do một tổ chức của Hà Lan tài trợ, xây dựng theo phương án 4 tầng, móng bằng cừ tràm, giá thành xây dựng là 3,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên phương án này không thể xây cao tầng, khó phù hợp với các khu vực thành phố lớn thiếu đất và có giá đất cao, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tốn kém. Tuy nhiên mô hình trên phù hợp với các khu vực còn nhiều đất và giá đất vừa phải. Đối với dự án chung cư tái định cư tại khu vực Tân Hóa Lò Gốm có giá đất 700.000 đồng/m2 cộng với giá xây dựng, mỗi m2 nhà ở có chi phí khoảng 4 triệu đồng/m2 do đó một căn hộ 50 m2 khoảng 200 triệu đồng. Đây là mức giá mà nhiều người đang sống, làm việc ở các thành phố có thể mua được. Một trong những biện pháp để giảm giá thành trong xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp là Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và sẽ ban hành một số mẫu nhà thống nhất. Việc này giúp các chủ đầu tư không phải thiết kế, không phải thẩm định… giảm khá nhiều chi phí và thủ tục hành chính.


Trong điều kiện hiện nay, phương án lắp ghép bằng bêtông đúc sẵn có vẻ có ưu thế. Phương án này phát huy được tối đa thế mạnh là sản xuất hàng loạt và lắp dựng nhanh. Như vậy nhà lắp ghép bêtông rất có thể sẽ lại là giải pháp cho việc xây dựng nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp tại các đô thị trong một tương lai gần.


Thống kê của Cục quản lý nhà Bộ Xây dựng cho thấy tại Hà Nội, nguồn cung nhà ở đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Đến 2010 nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội sẽ lên tới xấp xỉ 30.000 căn hộ trong khi đó nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 10.000.


(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *