Đi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn vừa mở rộng) hay Đại lộ Đông Tây… người ta không khỏi trầm trồ vì mặt đường thênh thang mà còn vì cảnh quan đẹp của tuyến đường, không bị cảnh “dây nhợ chằng chịt” như những tuyến đường khác. Việc ngầm hóa lưới điện, lưới dây thông tin để tạo cảnh quan đẹp cho một thành phố đầu tàu cả nước là mong ước của lãnh đạo và người dân TpHCM… Mong muốn ngầm hóa lưới điện đã được ngành điện lực TpHCM tính toán từ những năm 2000. Đến năm 2003-2004, ngành đã thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ với khối lượng đạt trên 3,2km lưới trung thế và 9,5km hạ thế. Tuy nhiên việc ngầm hóa này chưa triệt để do chưa kết hợp ngầm hóa dây thông tin, chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” vẫn còn. Tháng 9-2009, công trình ngầm hóa lưới điện và dây thông tin đã chính thức khởi động trên đường trần Hưng Đạo, đoạn từ đường Nguyễn Khắc Nhu đến Nguyễn Văn Cừ. Ngành điện lực cũng đã tiến hành ngầm hóa lưới điện, dây thông tin trên đường Lê Thánh Tôn, khu vực quanh Hội trường Tp, chợ Bến Thành… và trong năm 2010 sẽ kết hợp với các ngành liên quan để thực hiện ngầm hóa trên 14 tuyến ở khu vực trung tâm Tp, với tổng chiều dài khoảng 20km. Việc bó lại mạng cáp thông tin hiện đang thực hiện trên nhiều tuyến đường, xét cho cùng chỉ là giải pháp tình thế. Ngầm hóa mới là cách làm căn cơ để thực hiện việc chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại. Vẫn còn đó 5.000km đường dây trung thế, 9.500km dây hạ thế và cơ man nào là mạng dây thông tin… cần được ngầm xuống đất. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ, vốn đầu tư để ngầm hóa 1km đường dây phải cần đến 18 tỷ đồng – một con số không nhỏ. Chỉ 3 công trình ngầm hóa đã thực hiện trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đại lộ Đông Tây và một đoạn trên đường trần Hưng Đạo, ngành điện lực đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Bài toán về kinh phí cho việc ngầm hóa đang là trở ngại lớn, tuy nhiên, không phải không có cách giải. Ông phạm Quốc Bảo, phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TpHCM, cho biết: “Xã hội hóa việc đầu tư sẽ giải được bài toán này”. Theo ông, Tp nên khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây hào kỹ thuật, Tp chỉ duyệt cơ chế giá cho thuê. Các ngành điện lực, viễn thông chỉ đầu tư thiết bị và thuê hào đặt cáp. Ông Bảo nói: “Nếu mỗi năm Tp cho ngành điện lực vay khoảng 400 tỷ đồng từ vốn kích cầu, số còn lại ngành sẽ tự cân đối thì hy vọng tiến độ ngầm hóa sẽ nhanh hơn”. |
Ngầm hóa lưới điện, lưới dây thông tin: Làm sao tăng tốc?
1