Nghịch chút cái lý


-Cái văn hoá làng hình thành sau luỹ tre thì nhà cửa, vật dụng cũng là những vật liệu gần gũi tranh tre, vách nứa ai cũng biết rồi. Cụ Cao Bá Quát cũng đã chỉ ra cái đặc trưng không nhầm lẫn:


-“Nhà trống BA GIAN


-Một thày một cô một chó cái


-Học trò dăm đứa…”






-Căn nhà quen thuộc ở quê thường có ba gian hai chái, tranh tre, vách nứa. Cột kèo, rui mè cũng từ tranh, đất mà thành.


-Cái nhà quê ấy chính là nhà ta.


-Cái nhà quê ấy sơ sài và thường nó đi kèm chữ “nghèo”. Cho đến khi đô thị xuất hiện – mà ta thường gọi là “đô thị hoá nông thôn” – những vật liệu “văn minh, tiên tiến” mới thay thế tranh tre vách nứa.


-Nhưng sự đời, cái chưa có thì ta ao ước, đến khi có rồi lại sinh ra chán. Khi đã… chán cái máy lạnh, cái thang máy, ta bỗng nhớ đến cái “nhà nghèo” mà thông thoáng, thi vị. Ví như cái làng du lịch Bình Quới buôn may bán đắt vì “ẩm thực khẩn hoang”, vì khung cảnh y như làng quê xa xôi của mỗi người, có sông nước, bến đò với mấy mái nhà vách đất, có tàu lá chuối, cây cau. Dù là vách đất… giả vờ làm bằng xi măng trộn rơm, quét vôi màu nâu đất.


-Mặc kệ! Giữa đô thị chật chội thì cái không gian “kiến trúc” giả quê ấy nó cần thiết, nó đánh động ký ức, đủ để Việt kiều phương xa và cư dân đô thị móc hầu bao mà thụ hưởng dăm ngày cho nó nhẹ nhàng đầu óc.


-Nó hệt như cái vòng tròn luẩn quẩn này: khi ta còn ở quê làm vườn, trồng rau, đào ao nuôi cá nhưng vẫn cứ… nghèo! Ta bèn bán ruộng bán vườn, bán đất bỏ lên thành phố lập nghiệp. Vài chục năm sau ta thành người đô thị, thành đạt trong kinh doanh, có sự nghiệp (dù không phải ai cũng thế). Ta lại thấy đô thị ngộp thở quá bèn bỏ về mua đất trồng cây, làm vườn, trồng rau, thả cá để cuối tuần mời bạn bè về nhậu về chơi gọi là “thư giãn”. Thay vì chạy bộ ở vườn Tao Đàn thì sáng sáng vác cuốc làm vườn lại thấy mình sung sướng (chứ không than cực khổ như xưa), lại thấy mình làm anh nông dân áo nâu một cách hài lòng, hớn hở.


-Cái nghịch lý xem ra có lý là thế.


-Thì cái nhà ở cũng vậy, lúc đã chán bê tông, cửa kính, có khi người ta lại mang nhà quê về đô thị. Mua một cái nhà rường xứ Huế, một cái nhà rường Tây Bắc bày giữa lòng đô thị mà thấy cái nhà quê ấy sang trọng hẳn lên. Hay lại tranh tre vách đất, gạch tàu, tường cũ mà xây dựng để gợi nhớ một thời thơ ấu chạy lon ton trên đê, ngoài đồng.


-Nhạc sĩ Dương Thụ làm nhà ở Sài Gòn mà không gian, vật liệu gợi nhớ làng quê Bắc Ninh của mình. Ông lùng mua ngói cũ, ngói đã xài, khuân về chất dần. Chờ đến khi đủ số lượng thì làm cái nhà mới (với vật liệu cũ). Lại đào ao thả cá. Lại cây ổi cây chanh.


-Gọi là nhà Việt bởi tâm hồn gia chủ nó rất Việt Nam, chứ xem ra đi tìm một định nghĩa thích đáng cho cái gọi là “nhà thuần Việt” cũng là điều không dễ dàng, lắm khi còn phải tranh cãi nữa ấy chứ.


-Như cây cau trong sân nhà tôi, khi con lên 10 hỏi “cái quạt mo thằng Bờm ra sao”, may thay cây cau thả cái bẹ cau rơi bộp xuống sân nhà. Thế là có cái mà giải thích “thằng Bờm có cái quạt mo…”.


-Tạ ơn cây cau nơi đô thị biết chừng nào!


-Lan man đi xa mất rồi. Xin dừng lại.


 


Đỗ Trung Quân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *