(VTC News) – Tình hình ùn tắc giao thông tại khu vực TP.HCM những ngày đầu tháng 4 đang bùng phát dữ dội hơn bao giờ hết vì “lô cốt” xuất hiện ở hầu hết các tuyến đường thuộc khu vực nội thành, Thượng tá Võ Văn Vân – Phó trưởng phòng CSGT đường bộ TP.HCM – cho biết. > Thi công ẩu, một đơn vị bị phạt 6 triệu đồng Sáng qua (9/4), có mặt trong dòng người nhích từng bước một tại giao lộ Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng (Q.3), phóng viên VTC News đã cảm nhận được rất rõ sự khốn khổ của biển người di chuyển từng centimet một. Tuy đã qua giờ cao điểm của buổi sáng (8h45) và cho dù có sự có mặt điều tiết giao thông của các chiến sĩ Đội CSGT số 2, nhưng đến gần 10h sáng, ùn tắc tại khu vực này vẫn không hề thuyên giảm. Một rào chắn ngay sát ngã tư Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng đã làm cho người dân đi qua giao lộ này ngao ngán và thở dài. Chị Thu Nga (bán thuốc lá ngay tại ngã tư này) cho chúng tôi biết: “Từ trước đến nay, ngã tư này đã nổi tiếng về việc kẹt xe nghiêm trọng vào bất kể thời gian nào. Sáng trưa chiều và thậm chí tối cũng bị kẹt. Kể từ ngày xuất hiện lô cốt ở khu vực này, tình trạng kẹt còn nghiêm trọng hơn nhiều. Có rất nhiều người di chuyển đoạn đường chỉ khoảng hơn 1km mà họ bảo với tôi phải mất gần 30 phút”. Báo cáo mới nhất của Ban an toàn giao thông TP.HCM cho thấy tính đến hết ngày 31/3 năm nay, toàn TP có khoảng 15 vụ kẹt xe nghiêm trọng (kéo dài trên 30 phút), tăng đến 3 lần so với năm ngoái. Cũng là một nạn nhân của vụ kẹt xe ở giao lộ này như chúng tôi, anh Trọng Tuấn, một bưu tá của Bưu điện TP.HCM nêu lên câu hỏi: “Tôi cũng không hiểu lí do vì sao mà ngành GTVT TP.HCM lại đồng ý phê duyệt cho đào quá nhiều con đường huyết mạch, quan trọng của TP.HCM cùng một lúc như hiện nay? Như anh thấy đấy, CMT8 (ở cả 2 quận 10 và 3), Trường Chinh (Q.Tân Bình), Lê Văn Sỹ (Q.3, Phú Nhuận), Nguyễn Văn Trỗi, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Thị Sáu, Cộng Hòa…đâu đâu cũng có “lô cốt”. Nói chung, có thể diễn tả bằng 3 từ về thực trạng giao thông TP hiện tại là “kẹt tứ phía”. Sao chúng ta không tổ chức đào so le đường cơ chứ? Từ ngày ùn tắc bùng phát ở hầu hết mọi con đường thì công việc của tôi trở nên vô cùng vất vả. Lí do là đi đến con đường nào cũng thấy lô cốt, cũng thấy kẹt xe…”
Việc đi lại của người dân sinh sống tại TP.HCM đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết do sự xuất hiện của các “lô cốt” ngày càng nhiều (ảnh: N.D)
Cũng theo anh Trọng Tuấn thì: “Chỉ mới tháng 4, giao thông TP đã rối loạn như vậy. Nếu bước vào thời điểm nhộn nhịp cuối năm thì nó sẽ còn ra sao nữa…”
Còn Thượng úy Trương Trần Minh Tuấn (Đội phó Đội CSGT số 4) thì cho biết ngay chính bản thân lực lượng CSGT TP.HCM cũng vô cùng bức xúc với việc kẹt xe do tình trạng thi công “lô cốt” ì ạch kéo dài, mà mật độ lưu thông của TP.HCM lại vô cùng cao.
Ngay như tại Đội CSGT số 4, vào những giờ cao điểm, “…Chúng tôi đã phải huy động gần như là toàn bộ chiến sĩ ra mặt đường điều tiết giao thông. Nếu tương lai mọc thêm nhiều “lô cốt” nữa thì tôi e rằng sẽ không đủ quân số để làm nhiệm vụ”.
Ngay cả những con hẻm nhỏ bị áp lực kẹt xe như những con đường lớn (ảnh: M.Nhung) |
Nói về lí do tại sao không thi công so le đường (đào đường theo kiểu cuốn chiếu), anh Ngọc Quang – chuyên viên Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè – cho rằng: vì áp lực tiến độ giải ngân vốn của Ngân hàng Thế giới và áp lực về tiến độ thi công từ đơn vị cung cấp vốn nên không thể còn cách nào khác tốt hơn.
Về câu trả lời này, anh Nguyễn Minh Quân (P.13, Q.10) thắc mắc: “Nếu áp lực thi công thì phải làm luôn cả ban ngày chứ? Còn trên thực tế thì tôi nhìn thấy là không hề có một “lô cốt “ nào thi công vào ban ngày. Họ chỉ thi công từ 11h đêm trở đi mà thôi. Nếu vậy sao gọi là tăng tốc thi công được?”.
Chưa bao giờ việc đi lại tại TP lớn nhất VN đang tệ hại đến như vậy. Có lẽ lãnh đạo HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM cần phải vào cuộc sớm và có những biện pháp xử lý để có một lối thoát cho việc đi lại của người dân…”
Việt Dũng