Theo Luật Nhà ở, cán bộ, viên chức nhà nước và công nhân được quyền mua nhà ở xã hội với mức giá ưu đãi. Sau đó mở rộng đối tượng được hỗ trợ mua nhà ưu đãi giá rẻ là người dân có thu nhập trung bình và thấp, hộ phải giải tỏa cần tái định cư phục vụ chính sách phát triển thành phố. Tp HCM đã triển khai chương trình 30.000 căn nhà ở xã hội từ 5 năm nay, hiện chỉ thực hiện được 30%. Thành phố mua lại các chung cư đã và đang xây dựng, hoặc dự án của chủ đầu tư với giá bảo toàn vốn, để đưa vào quỹ nhà ở xã hội. |
Khảo sát của VnExpress, tại các quận vùng ven Tp HCM như 4, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, hàng chục nghìn căn nhà lụp xụp trong những khu ổ chuột, nhiều năm qua vẫn chưa di dời xong dù đã có quy hoạch. Tại những khu vực này, diện tích ở bình quân theo đầu người chưa tới 6 m2, trong khi tiêu chuẩn sống hiện nay của thành phố là 12 m2.
Thậm chí, ngay khu trung tâm sầm uất và nhộn nhịp của Sài Gòn là ngã tư Nguyễn Du – trương Định, quận 1, còn có cả một dãy con hẻm bị lấn chiếm làm nhà tạm. Những hộ gia đình này có đến 3 thế hệ chung sống vỏn vẹn trong 2-3 m2 trong gần chục năm qua. Quận đã có kế hoạch giải tỏa, nhưng mãi không thực hiện được vì chưa biết bố trí dân về đâu an cư.
Tổng kết tình hình thực hiện dự án nhà ở được giao đất từ năm 2003-2007 ở Tp HCM hai ngày trước, theo Sở Tài nguyên môi trường, chỉ 232 trong tổng số 455 dự án nhà ở xã hội được triển khai. Hơn 14.000 căn nhà ở bán giá ưu đãi cho giới công nhân viên chức, người phải giải tỏa để phục vụ những dự án phát triển thành phố; vẫn nằm trong kế hoạch chứ chưa thành hình.
Số liệu của Sở Xây dựng Tp HCM về tình hình đầu tư dự án nhà ở được giao đất trong 5 năm đến 2007, chỉ có 17 trên tổng số 49 dự án đã xây dựng xong. Số còn lại vẫn trong giai đoạn đền bù hoặc đang xây dựng.
Khu nhà lụp xụp ven kênh Văn Thánh, phường 19, quận Bình Thạnh. Ảnh: Đức Quang. |
Làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tại Tp HCM mới đây về thực trạng dự án nhà ở được giao đất cách nay 4 năm, đại diện các sở ngành liên quan đều cho rằng, cái khó là khâu giải phóng mặt bằng và giá bán để tái định cư người dân.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đào Anh Kiệt ví dụ, có dự án chỉ rộng 10 ha nhưng công tác giải phóng mặt bằng mất ít nhất 1-2 năm. Sau khâu giải phóng mặt bằng lại phải thêm tiếp 5 năm xây dựng mới có nhà. Theo ông, nhiều trường hợp chỉ còn 5% hộ dân vướng bồi thường giải tỏa nhưng dự án cũng trở thành “treo”.
Giải thích lý do không hoàn thành đúng tiến độ các dự án nhà ở xã hội, phó giám đốc Sở Xây dựng Tp HCM Nguyễn Văn Danh cho hay, gọi là bán ưu đãi nhưng thực chất hiện nay giá thành căn hộ và nền đất vẫn còn quá cao so với thu nhập của người mua. Đã thế, thị trường căn hộ nói chung thời gian qua liên tục bị thổi giá ảo. Nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại không đủ năng lực tài chính, thường vướng khâu thỏa thuận bồi thường với người dân nên dẫn đến chậm giải phóng mặt bằng.
Ông Danh cũng cho rằng, một trở ngại khác là quỹ đất xây nhà ở xã hội tại quận huyện chưa được quy hoạch cụ thể, làm cho hàng loạt dự án rơi vào thế bị động.
Cũng nóng lòng về việc khơi thông nguồn cung cho phân khúc thị trường nhà ở xã hội, phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp HCM Lê Hoàng Châu kiến nghị nhà nước nên ưu đãi cho người có thu nhập thấp vay tiền mua nhà với lãi suất thấp, trả góp từ 20-25 năm. Quan điểm của Hiệp hội bất động sản, thành phố cần vận động thêm nguồn vốn viện trợ nhân đạo trong và ngoài nước để xây căn hộ cho cán bộ, viên chức, công nhân, người tái định cư. Từ đó tiến đến xã hội hóa các chương trình nhà ở và mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia.
Ông Châu cũng cho rằng, quy định nhà ở xã hội chỉ được phép xây 6 tầng và không được lắp thang máy trong khi quỹ đất của thành phố còn quá hạn hẹp, là không thực tế.
phản biện những báo cáo của các sở ngành, Viện trưởng Kinh tế Tp HCM trần Du Lịch nhận định, cần có công tác kiểm tra ngẫu nhiên số căn hộ và đất ở trong các dự án này để đảm bảo tính khả thi. Quan điểm của ông Lịch, nhiều khu đất đáng lý sử dụng xây dựng nhà tái định cư hoặc dự án nhà ở, nhưng gần 5 năm qua, chỉ có đèn vàng và ếch nhái ban đêm, chưa có người đến ở. Thậm chí, người có thu nhập thấp vì nhiều lý do đã bán cả nhà được mua ưu đãi, cuối cùng vẫn vô gia cư.
“Hãy dùng cơ chế đấu thầu, xây cao tầng lên rồi giao tỷ lệ nhà theo thỏa thuận với nhà nước. Số còn lại sẽ tung ra thị trường theo hình thức kinh doanh”, ông Lịch gợi ý.
trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại Tp HCM trần Hoàng Thám cho biết, sẽ tập hợp các khó khăn, đề xuất của thành phố về nhà ở xã hội để trình Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.
“Có quỹ đất nhưng nhà ở xã hội trở thành hàng loạt dự án “treo”, người dân bị thiệt thòi rất lớn”, ông Thám nói.
Vũ Lê