Trang chủ » Người Việt làm thủy điện giữa rừng Lào (kỳ 1)

Người Việt làm thủy điện giữa rừng Lào (kỳ 1)







Kỳ 1: Xa lắc quê nhà



Đến công trường xây dựng thủy điện Xekaman 1 do TCty Sông Đà làm tổng thầu (đồng thời TCty Sông Đà cũng là một cổ đông chính góp vốn đầu tư) trên địa bàn tỉnh giáp biên Attapư nước bạn Lào lần này, lúc đầu chúng tôi không thấy có sự khác biệt nhiều so với những công trình thủy điện khác.  Vẫn là công trường hoành tráng nhưng lọt thỏm giữa đại ngàn, vắng bóng khu dân cư. Vẫn những thiết bị cơ giới mang biển kiểm soát của Việt Nam cần mẫn, hối hả thi công. Vẫn là những gương mặt người công trường sạm nắng, rắn giỏi, nhưng bé tý tẹo trên vai, móng đập, móng cống dẫn dòng… Bé tý tẹo trước núi và rừng. Họ trò chuyện thân thiện với chúng tôi bằng thứ tiếng Việt mẹ đẻ, chủ yếu là giọng Bắc. Vẫn là những bữa ăn công trường được thổi từ gạo, rau, gia vị mắm muối mang nhãn hiệu “made in Việt Nam”. Vẫn là những kênh truyền hình của Việt Nam được bắt sóng bằng chảo thu kỹ thuật số vệ tinh DTH.




Vẫn là công trường hoành tráng nhưng lọt thỏm giữa đại ngàn.


Khác chăng là ở đây, rừng rậm hơn. Dù là đường vào hiện trường hay ở bất cứ ngóc ngách công trường nào, chúng tôi cảm giác, chỉ cần vươn tay ra là chạm được vào rừng già. Khác chăng là dọc các khu làm việc, khu lán trại thi thoảng chúng tôi bắt gặp biển quảng cáo của một hãng viễn thông Lào. Những khi ấy chúng tôi chợt nhận ra những người công trường đang liên lạc với nhau và phần còn lại của thế giới bằng sim điện thoại của Lào với giá cước cao hơn nhiều so với cước viễn thông ở Việt Nam



Đôi khi người công trường gọi nhau một cách sang trọng, hài hước là Việt kiều cũng khiến chúng tôi nhớ ra là mình đang ở đất Lào. Nhưng khoảnh khắc mà chúng tôi thực sự nhận ra mình đang ở đâu lại chính là lúc chia tay công trường để trở về Hà Nội, Vụ và Hiệp – 2 thành viên trẻ của Ban điều hành – cứ nằng nặng thỉnh cầu lãnh đạo cho phép được tiễn khách về bên kia biên giới, qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Vụ đến với công trường từ ngày đầu, đã có trên 2 năm gắn bó với công trường giờ đây nằn nì: “Từ tết đến giờ em không được về Việt Nam!”. Còn Hiệp thì vốn là nhà con một. Trước đó cậu từng đầu quân cho một đơn vị đầu tư kinh doanh bất động sản nên tiếng là kỹ sư xây dựng song chưa bao giờ phải xa Hà Nội. Hiệp vào công trường Xekaman 1 này mới tròn chục ngày. Hiệp khẽ khọt: Em nhớ nhà quá. Con gái em chuẩn bị được một tuổi, mẹ nó bắt đầu dạy nói. Mỗi lần điện thoại về nghe con gái u ơ gọi, nhớ phát khóc…!



Cả Vụ và Hiệp có chung nguyện vọng: Về Việt Nam một ngày thôi rồi thì ngày hôm sau sẽ khẩn trương trở lại công trường.



Nghe họ nói, chúng tôi không khỏi bối rối. Họ mong vượt qua biên giới chỉ để ngủ một đêm trên đất Việt, để được dùng sim điện thoại và thẻ ATM của Việt Nam, để mua một bình nước lọc dung tích lớn dùng làm nước uống trong nhiều ngày, để mua một tủ giấy đựng quần áo, để được thưởng thức ly café Ban Mê… Họ về Việt Nam những mong bớt đi nỗi nhớ nhà chứ thực ra một người vợ con ở mãi quê nhà Thái Bình, người kia vợ con ở Hà Nội. Khoảng cách giữa họ và gia đình không chỉ là hàng ngàn cây số địa lý, mà còn là sự vời vời của nỗi nhớ thương…



Nói vậy thôi, chứ việc đầu tư xây dựng thủy điện bên Lào dẫu sao vẫn có nhiều phức tạp hơn trong nước. Đơn cử như việc đưa người và thiết bị qua biên giới. Hùng – Cán bộ Cty Sông Đà 10 kể, hồi công trường mới trong giai đoạn chuẩn bị, đường quốc lộ của Lào từ cửa khẩu đi Viên Chăn chưa thông, tuyến xe đò từ Việt Nam qua cửa khẩu chưa hình thành như hiện nay, việc lưu thông qua cửa khẩu chính thức rất phiền phức. Khi đó, tôi vẫn thường vụng trộm theo người dân địa phương bí mật qua lại biên giới theo đường “tiểu ngạch”, không hộ chiếu. Thậm chí có lần tôi còn đưa đồng thời cả hơn chục công nhân “vượt biên”. 



Song việc đưa thiết bị cơ giới, vật liệu phục vụ thi công qua biên giới thì không đơn giản như thế. Có những bận, thiết bị và người hộ tống đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý của cả hai quốc gia nhưng hàng vẫn phải nằm đọng ở cửa khẩu cả tuần trời, không qua biên giới nổi. Ban điều hành tổng thầu công trình thủy điện Xekaman 1 lần lượt cắm 2 cán bộ kỹ thuật chuyên phụ trách thủ tục cho người, thiết bị, vật liệu qua cửa khẩu nhưng hiệu quả công việc thấp, họ gần như bất lực, ức phát khóc, rút cục bỏ về xuôi luôn. Phụ trách công việc nói trên giờ đây là anh Võ Thế Tùng. Với thâm niên 6 năm ở và qua lại trên đất Lào (vì trước đó anh từng đầu quân cho một Cty chuyên doanh lâm sản của tỉnh Kon Tum), với lợi thế nói và đọc được tiếng bản địa, mọi việc có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Anh được cán bộ bên Lào tín nhiệm đến nỗi bất cứ một chuyến thiết bị, vật liệu nào mà không thấy anh xuất hiện lo thủ tục, hay ít nhất là điện thoại can thiệp sau khi cán bộ của đơn vị đã tự hoàn tất thủ tục thì đừng mong nhanh qua được cửa khẩu (!) Chính vì vậy giờ đây người công trường vì quý mến mà đang lo thay cho anh. Bởi chẳng mấy nữa, công trường bước vào cao điểm thi công, riêng xi măng, mỗi ngày cũng có cả chục chuyến cần đưa qua cửa khẩu. Khi ấy, có lẽ anh Tùng đành phải bám cửa khẩu chứ chẳng thể lủi thủi một mình ở văn phòng đại diện thuê ở thị trấn Plây Kần thủ phủ huyện giáp biên Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum trực như hiện nay. Việc về nhà thăm vợ con ở thị xã Kon Tum, cách cửa khẩu chừng 80 cây số cũng vì vậy mà ngọ ngằn.




Kỳ sau: Chủ động thích nghi với nắng, gió rừng Lào

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.