Từ một làng chài nằm dọc bờ sông Cái thuộc vùng đất phía cực nam Trung bộ, qua trên 100 năm hình thành và phát triển, Nha Trang đã trở nên một thành phố có 27 xã phường với gần 38 vạn dân. Do những tiến bộ vượt bậc trong quá trình đô thị hóa, năm 1999 Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hội đủ tiêu chuẩn của một đô thị loại II. Và từ ấy đến nay Nha Trang đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Nhờ vậy mới đây Nha Trang đã được công nhận là đô thị loại I.
Một chút lịch sử Theo cố thi sĩ Quách Tấn trong tác phẩm “Xứ Trầm Hương” thì hai chữ Nha Trang bắt nguồn từ thổ âm của người Chiêm Thành đọc trại ra. Đó là Ea Tran hay Yjatran (Ea hay Yja là nước là sông, Tran là lau lách). Sử sách còn ghi lại cho thấy đến giữa thế kỷ IX Nha Trang vẫn còn là một vùng đất hoang vu và nhiều thú dữ thuộc huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Chỉ qua hai thập niên đầu thế kỷ XX, bộ mặt Nha Trang mới thực sự thay đổi. Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định công nhận Nha Trang là thị trấn. Đến ngày 7/5/1937, Toàn quyền Đông Dương ký tiếp Nghị định nâng Nha Trang lên thành thị xã với 5 phường: Xương Huân (gọi là phường đệ nhất), Phương Câu (phường đệ nhị), Vạn Thạnh (phường đệ tam), Phương Sài (phường đệ tứ), Phước Hải (phương đệ ngũ). Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, năm 1958 chính quyền Ngô Đình Diệm bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành hai khu vực là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương. Đến năm 1970, chính quyền Sài Gòn đã tái lập quy chế thị xã trên cơ sở sáp nhập Nha Trang Đông và Nha Trang Tây với các xã ngoại thành. Sau đó Nha Trang được chia thành hai quận. Năm 1971, chính quyền cũ chia thị xã Nha Trang thành 11 khu phố. Một năm sau, các khu phố trên được đổi thành phường. Ngày 2/4/1975 Nha Trang đươc giải phóng. Ba năm sau, ngày 10/3/1977 với Quyết định số Trang đươc giải phóng. Ba năm sau, ngày 10/3/1977 với Quyết định số.
Với bãi biển xinh đẹp, cảnh quan hữu tình lại nằm ở vị trí thuận lợi về mặt địa lý, có hệ thống giao thông nối liền với cả nước và khu vực bằng đường biển, đường sắt, đường bộ và đường hàng không nên Nha Trang rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Do vậy mà thời Pháp thuộc (1895 – 1954) Nha Trang đã được Pháp chọn làm nơi đặt trụ sở của Tòa Công sứ tỉnh Khánh Hòa; được nhà bác học Alexandre Yersin chọn làm nơi xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học (tức Viện Pasteur) và gắn bó cuộc đời với mảnh đất này. Những năm đầu giải phóng, với mục tiêu xây dựng Nha Trang thành một TP phát triển theo cơ cấu công nghiệp – du lịch – dịch vụ – thương mại, Đảng bộ Nha Trang đã chú ý đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp, công trình phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng, các công trình kỹ thuật hạ tầng (giao thông , điện, nước…) kết hợp với khai thác lợi thế tiềm năng và nguồn lao động tại chỗ. Tuy nhiên phải thực sự đến giai đoạn đổi mới những năm gần đây Nha Trang mới có những thay đổi vượt bậc ở mọi lĩnh vực với nhịp độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Đến nay toàn TP đã có trên 16.556 cơ sở kinh doanh cá thể và 1.080 DN tư nhân và Cty TNHH, 2 khu trung tâm thương mại, 23 chợ, trong đó có 10 chợ chính với khoảng 6.000 hộ kinh doanh. Về quy hoạch đô thị, TP đã xây dựng nhiều đề án khu dân cư để phục vụ việc giải tỏa tái định cư và giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân. Tính đến năm 2007, diện tích sàn nhà ở vào khoảng 3.593.957m2 (73.304 hộ) bình quân diện tích sàn nhà ở 12,5m2/người. Đặc biệt những năm gần đây cơ sở hạ tầng của Nha Trang đã được tập trung đầu tư xây dựng. Cùng với việc mở rộng đường, hàng loạt nhà ở hai bên đường đã được cải tạo xây dựng, khoác lên TP chiếc áo mới, khang trang, sạch đẹp. Với tiềm năng thiên nhiên cùng cảnh quan khí hậu trong lành, có bờ biển cùng nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và 19 hòn đảo lớn nhỏ rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, hiện Nha Trang có khoảng 341 cơ sở kinh doanh lưu trú với 7.089 phòng và 13.340 giường, trong đó có trên 1.000 giường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hàng năm Nha Trang đón khoảng nửa triệu lượt khách du lịch, trong đó có 100 nghìn lượt khách quốc tế. Nhờ vậy Nha Trang được công nhận là TP du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng trong nước và quốc tế. “Với hành trang của một đô thị loại I, Nha Trang sẽ có cơ hội tiếp tục phát triển nhanh hơn và toàn diện hơn, phát huy tốt hơn các thế mạnh cũng như vai trò chức năng của một trung tâm kinh tế biển và văn hóa quan trọng của miền Trung và của cả nước” – ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết như vậy.
|
Nha Trang nhìn về phía trước
88