Trang chủ » Nhân lực ngành Xây dựng: Phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu

Nhân lực ngành Xây dựng: Phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Tiến độ xây dựng của nhiều công trình, nhất là công trình lớn bị chậm, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu nhân công. Các cơ sở đào tạo nghề xây dựng thì lại đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh… Thực tế này đã phần nào phản ánh những bất cập, hạn chế về nhân lực trong ngành Xây dựng hiện nay, khi mà tốc độ xây dựng, sự đổi mới trong khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày.


Đào tạo công nhân nghề.

Hậu quả của thừa thầy thiếu thợ

“Đội ngũ công nhân, những người trực tiếp lao động tạo ra thực thể công trình, sản phẩm cuối cùng của ngành Xây dựng còn thiếu về số lượng, ít về chất lượng. Tỷ lệ lao động thủ công, lao động nông nhàn chưa qua đào tạo còn khá cao. Mức độ thành thạo, kỹ năng nghề nghiệp, tai nạn rủi ro trong hoạt động xây dựng còn nhiều. Sự gắn bó, lòng yêu nghề của người thợ xây dựng chưa cao”. Đó là đánh giá của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng) – cơ quan chủ trì tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực xây dựng đến năm 2020.

Hiện toàn Ngành có hơn 204 nghìn công nhân lao động (CNLĐ), trong khi đó lại có tới gần 91 nghìn người là cán bộ, viên chức trong các DN. Như vậy số lượng công nhân chỉ gấp hơn 2 lần số lượng cán bộ, viên chức. Số liệu này phần nào phản ánh tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Bất cập hơn nữa đó là số CNLĐ có biên chế, hợp đồng dài hạn chỉ chiếm tỷ lệ 37,8% (771.126 người), số CNLĐ có hợp đồng ngắn hạn chiếm 20%, tình trạng sử dụng lao động tự do, lao động nông nhàn hiện khá phổ biến. Theo ông phạm Xuân Điều – Giám đốc Học viện, thì tình trạng sử dụng lao động không có hợp đồng đang là vấn đề đáng báo động. trong khi đó về năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ CNLĐ cũng chưa cao, số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%, số thợ bậc cao (bậc 6,7) chỉ chiếm khoảng 7%.

Cần sự đổi mới về đào tạo

Theo ông Nghiêm trọng Quý – phó Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), vấn đề nhân lực phản ánh 2 thực trạng, thực trạng nhân lực và thực trạng về đào tạo. Ngành Xây dựng cần phân tích rõ thực trạng, tìm nguyên nhân để  đưa ra những giải pháp phù hợp.

Hiện nay, toàn Ngành có 33 trường, trong đó có 2 trường đại học, 11 trường cao đẳng và cao đẳng nghề, 19 trường trung cấp và 1 Học viện; ngoài ra còn có 31 trường đại học đào tạo kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng. Hàng năm, khối các trường đại học tuyển sinh 6.000 SV, khối các trường cao đẳng tuyển trên 3.000 SV, khối các trường trung cấp chỉ tuyển được 2.000 HS, hệ thống các trường đào tạo thuộc ngành tuyển khoảng 12.000 HS. Số lượng đào tạo đại học, cao đẳng tăng quá nhanh, trong khi đào tạo nghề, trung cấp quá ít, phản ánh tình trạng thừa thầy thiếu thợ càng trở nên trầm trọng. Cũng theo đánh giá, việc tổ chức đào tạo ở các cấp học bậc học còn nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa thực sự gắn bó với nhu cầu sử dụng, với tiến bộ KHCN và công việc thực tế mà người học khi ra trường phải đảm nhận. Hệ quả là khi ra trường người học phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với công việc, không ít trường hợp đơn vị sử dụng tiến hành bổ túc hay đào tạo bổ sung, đào tạo lại. trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Hạnh – phó cục trưởng Cục phát triển đô thị – thì ngoài trình độ bằng cấp cần phải đánh giá kỹ năng thực hành thực tế. Đối với ngành Xây dựng, việc thực hành mới phản ánh thực chất.

Qua khảo sát, vấn đề đào tạo trong ngành Xây dựng còn bộc lộ nhiều bất cập khác. Cụ thể đội ngũ giảng viên, giáo viên trong các trường có 2.494 người, trong đó chỉ có 37 giảng viên cao cấp và giảng viên chính (chiếm 1,5%). Theo ông phạm Xuân Điều, đây là con số khá khiêm tốn, nhiều trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề còn không có giảng viên chính. Hơn nữa, trong tổng số giảng viên các trường, chỉ có 10,6% có trình độ chuyên môn đại học trở lên về kiến trúc, xây dựng, chưa đầy 5% có trình độ ngoại ngữ C. Đây cũng là một điểm yếu của hệ thống cung cấp nhân lực trong Ngành.

trước thực trạng như vậy, ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành đều cho rằng chúng ta phải nhìn thẳng, phản ánh rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như hậu quả để sớm đưa ra những giải pháp. Các chính sách về đãi ngộ, thu hút nhân lực chưa đáp ứng được thực tế cần kiến nghị để sửa đổi điều chỉnh. trong công tác đào tạo, cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở, các trường như thế nào hợp lý. phải thực hiện rà soát lại chương trình, giáo trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao trình độ giáo viên… Tất cả phải đưa ra mục tiêu cụ thể, đặt ra đích đến, theo lộ trình, có như vậy mới đạt hiệu quả… Những vấn đề trên sẽ được đề cập, đưa ra mục tiêu cũng như các giải pháp thực hiện trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020.

Banner

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.