Trang chủ » Nhịp cầu ngang tầm thế kỷ

Nhịp cầu ngang tầm thế kỷ

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Hai đỉnh tháp dây văng vút lên trời mây. Hàng nghìn dây văng đan kết như những khung nhạc, nổi bật trên nền trời, soi bóng xuống dòng sông. Đó là hình ảnh cầu Cần Thơ vào thời điểm chuẩn bị hợp long. Ở thời điểm này, đã sáng rỡ dáng vóc bề thế của chiếc cầu vượt qua sông Hậu mênh mông sóng vỗ.

Mấy năm gần đây, người ta thấy khách phà qua sông Hậu (bắc Cần Thơ) đều nhìn về phía hạ lưu dòng sông. Nơi ấy, cách bến phà này hơn 3km hiện hữu một công trình thế kỷ: Cầu Cần Thơ. Hơn 5 năm qua, kể từ ngày khởi công xây dựng, đó là những cái nhìn chờ đợi, hi vọng và đầy tin tưởng. Rồi bến phà này sẽ hoàn thành sứ mệnh cả trăm năm của nó.

Không lâu nữa, khách từ bờ Vĩnh Long sẽ qua cầu Cần Thơ, một cây cầu dây văng quy mô hiện đại nhất, lớn nhất Đông Nam Á. Tự hào này, trước hết là hiệu năng rực rỡ hiện hữu của công cuộc đổi mới đất nước, niềm tự hào của những người thợ cầu Việt Nam. Chỉ vài tháng nữa, cầu Cần Thơ-cây cầu lớn thứ ba, sau cầu Mỹ Thuận và cầu Rạch Miễu, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ chính thức ghi dòng đậm nét  vào lịch sử ngành giao thông-vận tải Việt Nam.

Theo kế hoạch, đến đầu tháng 4 tới, cũng là thời điểm kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cầu Cần Thơ sẽ chính thức đưa vào sử dụng. Lúc đó, sẽ có ai đó hát: “Niềm ao ước bấy lâu, nay đã thỏa nỗi chờ mong”. Đúng thế, cầu Cần Thơ không chỉ là niềm mong ước của người dân Cần Thơ, người dân vùng ĐBSCL, mà là niềm mơ ước của cả nước. Sau 35 năm đất nước thống nhất, sau 20 năm thực sự có hòa bình và đất nước vào cuộc đổi mới, cầu Cần Thơ sẽ là cây cầu cuối cùng trên toàn tuyến Quốc lộ 1, để chúng ta đi dọc Việt Nam suốt chiều dài đất nước từ địa đầu biên giới Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.


Toàn cảnh cầu Cần Thơ đã hợp long. Ảnh:
Chu
Mã Giang

Một điều không thể không ghi nhận: Đây là cây cầu được xây nên bởi những ý tưởng táo bạo, tự tin và đủ sức thuyết phục của ngành cầu đường thời kỳ hiện đại. Nước ta còn nghèo, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng biết liên doanh liên kết, mở rộng và kêu gọi đầu tư, khai thác thế mạnh hợp tác quốc tế, chúng ta đã đi đến thành công. Sẽ không ai quên đóng  góp nhiệt tình cho sự thành công của công trình này bởi các đối tác đầu tư và thi công của nước ngoài như: Liên danh tập đoàn Taisei-Kajima và Tập đoàn Nippon Steel (TKN-Nhật Bản),  Bộ phận kỹ sư tư vấn- giám sát là Nippon Koei và Chodai liên kết với TEDI và TEDI South (Nhật Bản), Tổng công ty xây dựng trung Quốc, đã cùng Tổng công ty thương mại vận tải ô tô ngày đêm lo từng nốt cột thép, từng mẻ bê tông, từng mét đường cho cây cầu sớm khánh thành và bền vững.

Một cây cầu dự chi kinh phí xây dựng đầu năm 2004 lên tới hơn 4.800 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA thông qua Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam; Bộ Giao thông Vận tải- Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Tự hào thay, quê hương ta đã có một cây cầu hiện đại bắc qua dòng sông rộng nhất nước với tổng chiều dài 15,85km. trong đó cầu chính dài 2,750km, mạng dây văng liên hợp bê tông dự ứng lực có chiều dài 1.010m, nhịp chính ở giữa cầu giữa dài 550m. Đó chỉ là những con số, nhưng là con số khẳng định tầm cỡ để mọi người ngưỡng vọng và tự tin hơn về đà đi lên của nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai gần.

Cầu rộng dài như thế, hiện đại, yêu cầu về kỹ thuật và kỷ luật lao động khắt khe, nghiêm cẩn như thế, hầu như buộc thời gian thực thi ý tưởng, dự án và thi công phải kéo dài. Tính ra, từ lúc khởi động dự án vào năm 1996, đến nay đã gần 13 năm, cầu Cần Thơ mới được chính thức nối liền hai bờ sông. Sau hơn 4 năm, kể từ khi Cầu Mỹ Thuận khánh thành, ngày 25-9-2004 người dân khu vực ĐBSCL tiếp tục chứng kiến một sự kiện quan trọng: Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu. Và hơn 5 năm sau, 9 giờ sáng ngày 12-10-2009, cầu Cần Thơ chính thức hợp long.

Có mặt tại công trường khi cầu được hợp long, những hình ảnh khẩn trương, hối hả nhưng rất cẩn trọng của những người thợ cầu cứ in đậm mãi trong tôi. Ở khu vực giữa sông, trên chiếc sà lan chở nhịp dầm thép đốt số 10 – đốt dầm cầu cuối cùng để nối cầu Cần Thơ, một nhóm kỹ sư Nhật đang cần mẫn kiểm tra kỹ thuật thiết bị an toàn và đối chiếu trên sơ đồ định vị. trong khi đó, nhóm công nhân cơ giới 1 (thuộc Cienco 1) đưa thêm các thiết bị kích thủy lực vào sát vách dầm cầu. Ngay cạnh đấy, hàng chục công nhân thuộc Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam đang kéo phao định vị để chuẩn bị việc di chuyển sà lan ra đúng vị trí nâng dầm cầu thép. Kỹ sư Lê Bá Ngọc, cán bộ của Công ty Vận tải dầu khí, nói rằng theo phân công trong kế hoạch, tàu Falcon 36 của công ty sẽ đến chân cầu xác định bốn vị trí neo của sà lan chở dầm cầu. Sau đó, tàu Falcon 21 và tàu Biển Đông lai dắt sà lan cho đốt dầm cầu ra đúng vị trí nâng dầm. Tiếp theo, Công ty TNHH Nippon Steel dùng thiết bị nâng đốt dầm cầu vào đúng vị trí nối liền cầu Cần Thơ.

Một công trình xây dựng cầu rất đồ sộ, và hầu như lực lượng tham gia bắc cầu cũng lớn chưa từng có. Ông Nguyễn Nam Tiến, Giám đốc dự án cầu Cần Thơ, cho biết: Lúc cao điểm, công trình đã huy động lực lượng kỹ sư và công nhân lên đến 4.000 người, trong đó có 350 kỹ sư (có khoảng người 100 kỹ sư Nhật Bản), còn lại đa số là người Việt Nam. Nhiều kỹ sư, chuyên viên Việt Nam ngày đêm sát cánh cùng với các kỹ sư, chuyên gia người nước ngoài.

Bên bờ phía Vĩnh Long, người dân xã Mỹ Hòa đổ xô ra phía chân cầu nhìn chiếc cầu đang được hợp long. Đây là xã có nhiều con em là công nhân bị tai nạn trong sự cố kỹ thuật sập nhịp dẫn trên công trường thi công cầu vào buổi sáng ngày 26-8-2007. Lịch sử sẽ không bao giờ quên sự kiện này, cũng như ghi nhận một cây cầu thế kỷ qua nhiều thăng trầm của quá trình thiết kế, thi công. Và hơn nữa, nơi đây đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu.

Niềm vui hợp long khó lòng quên nỗi đau, nhưng sự hiện diện sừng sững cây cầu hiện đại qua sông Hậu đã rung động lòng người. Một nhà thơ cảm động khi hai bờ sông Hậu được nối liền, một dòng sông lịch sử và thơ mộng, đã viết:

Niềm vui này mẹ đợi từ lâu

Cả một đời bạc đầu mơ ước

Chuyện cổ tích nay thành chuyện thực

Sông Hậu rồi có cầu lớn bắc ngang.

trước sự kiện cầu được hợp long, anh trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi năm roi xã Mỹ Hòa, phấn khởi nói: “Chi phí vận chuyển bưởi xuất ra nước ngoài giảm một phần nhờ đi thẳng con đường dẫn này ra Quốc lộ 1A. trước đây phải đi đường vòng qua thị trấn Bình Minh, rồi đi ngược lại xã Thuận An, xa 15km mới đưa hàng lên container được. Nay cầu và đường đã gần hơn một nửa. Thật là mừng vô kể”. Anh nói thêm: “Tuyến đường dẫn này không chỉ là mối nối vào cầu Cần Thơ mà còn là nút giao thông quan trọng nối liền các xã vùng sâu các huyện Bình Minh, Bình Tân, trà Ôn với đô thị Vĩnh Long, Cần Thơ”. Ngoài việc có đường dẫn vào cầu, Vĩnh Long còn có thêm đường liên huyện trà Ôn – Bình Minh cặp mé sông Hậu. Đường này đang được thi công nối liền cảng Bình Minh và khu đô thị cặp sông Hậu, rồi hòa vào quốc lộ 54, sau đó đi liền một mạch từ Đồng Tháp qua Vĩnh Long, nối trà Vinh tới tận mép biển Đông.

Vui sao, đường mở đến cầu và cầu lại mở ra nhiều tuyến đường, mở ra phố phường, khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm kinh tế mới trong thời kỳ mở cửa. Có người đã so sánh, làm tôi thấy tâm đắc: “Cầu không chỉ đơn thuần bắc qua sông, mà đây cũng chính là nhịp cầu vươn tới những mục tiêu lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đất trù phú miền Tây Nam bộ”. Từ nhịp chính bờ Cần Thơ về hướng lộ Quang trung (quận Cái Răng), trên đoạn dài 2km, hàng chục xe ủi, xe lu đang thi công khẩn trương. Đoạn từ chân cầu tới trạm thu phí đã thảm nhựa bê tông hoàn chỉnh. Cầu Cái Tắc 1 và 2 cũng nối liền con rạch nhỏ.

Dưới chân cầu bờ Cần Thơ, các khu đô thị mới Hưng phú, Nam Long, 586… đang chuyển động đón cầu khánh thành. Con đường nối cảng Cái Cui được mở rộng để thông đường, chi nhánh sửa chữa ôtô Toyota Cần Thơ vừa khai trương hoạt động tại khu dân cư 586. Giá đất rục rịch tăng nhẹ. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một cư dân phường Hưng phú, cho biết người dân nơi đây trông đợi cầu Cần Thơ từ lâu lắm rồi, nay đã sắp thành hiện thực.

Ông phan Quang Dự, Giám đốc cụm phà Hậu Giang cho biết từ trước đến nay cụm phà luôn phải hoạt động quá công suất. Cầu Cần Thơ hoàn thành sẽ tạo nên một bước phát triển mới cho vùng kinh tế ĐBSCL. Theo ước tính sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian vượt sông Hậu khoảng hơn 30 phút, tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng cho mỗi ô tô, mỗi ngày tiết kiệm hàng tỷ đồng hao tổn chất lượng hàng hóa và chi phí vượt sông. Giá trị của chiếc cầu mang lại không chỉ là lợi ích về tiết kiệm thời gian và chi phí cho người và phương tiện, mà còn góp phần làm tăng giá trị của hàng hóa, tạo động lực mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng ĐBSCL, cả khu vực Nam bộ và cũng là thế thuận đầy mong đợi, nhiều kỳ vọng của các nhà doanh nghiệp, khách lữ hành trong và ngoài nước.

Xuân mới đang ngập tràn, nhìn cây cầu vượt sông rộng, vươn cao phía chân mây hạ lưu sông Hậu, tôi nghĩ đến những liệt sĩ đã ngã xuống trên đất này qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Chắc chắn đã có người đã từng mơ ước về cây cầu hôm nay trước lúc hi sinh. Hôm nay, trên đất nước đã có hòa bình, độc lập, tự do, trong thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước, người đời sau đã thực hiện được mong ước của người đi trước đã cống hiến, hi sinh trên đất này.

Tôi nghĩ đến những người dân hai bên cầu đã phải rời mảnh vườn, thửa ruộng, căn nhà tự bao đời gắn bó để đơn vị thi công có mặt bằng xây dựng.

Tôi nghĩ đến những người thợ cầu, gian nan, cơ cực, bền bỉ cả nửa thập niên để có được thành quả lao động, niềm vui vô bờ hôm nay.

Và trên tất cả, chiếc cầu như con rồng trong chuyện cổ tích, cong lưng nối đôi  bờ cho mọi người qua lại. Đây cũng chính là dấu ấn lịch sử thể hiện sức vươn lên tầm cao mới của vùng đất Cửu Long Giang. Nhờ cầu Cần Thơ, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, gọi mời đầu tư, đón chào du khách đến với vùng đất Tây sông Hậu, cực Nam Tổ quốc sẽ nhiều thuận lợi, đem đến sự tăng tốc và hiệu quả cao trong tương lai gần. Nhìn chiếc cầu sừng sững, vươn cao, ai cũng liên tưởng: Đất “Chín Rồng” đang cất cánh.

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Chúng tôi thực hiện sứ mệnh kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, cùng nhau xây dựng một nền kiến trúc bản địa vững mạnh, hòa nhập với dòng chảy quốc tế. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành cùng giới kiến trúc, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.