(VTC News) – “Mục đích quy hoạch ban đầu là cải tạo hồ Ba Mẫu phục vụ công cộng, dân sinh, qua nhiều lần thay đổi Quyết định họ cố tình tạo ra quỹ đất xây nhà ở để bán, xây biệt thự cho thuê và làm đường giao thông trong công viên nhằm mục đích thương mại”, ông Nguyễn Văn Thiệu nói về những bất cập trong dự án cải tạo hồ Ba Mẫu.
> Những bất cập của dự án hồ Ba Mẫu (phần 1)
Vì mục đích thương mại nên nhiều lần UBND TP Hà Nội ra quyết định Quy hoạch, cải tạo, xây dựng công viên hồ Ba Mẫu không hề công khai cho dân trong khu vực biết. “Mỗi lần thay đổi quy hoạch chúng tôi đều không biết. Ranh giới quy hoạch không rõ ràng. Quá trình thực hiện sai quy hoạch. Lợi dụng quy hoạch lấy đất làm nhà để bán”, ông Thiệu bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi có quy hoạch cải tạo hồ Ba Mẫu năm 1990 đến nay UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh, trong đó có những thay đổi lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực nhưng các cơ quan của Hà Nội và của UBND thành phố Hà Nội đều không công khai cho họ biết.
Việc thay đổi nhiều lần quy hoạch ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nhưng họ không hề được biết.
Vào tháng 10 năm 1990, UBND thành phố Hà Nội có quyết định số 4177/QĐ-XDCB duyệt tờ trình số 83/BCĐ ngày 14/9/1990, của Ban chỉ đạo phong trào lao động xây dựng Thủ đô về việc đầu tư xây dựng cải tạo hồ Ba Mẫu.
Tại quyết định này các hạng mục xây dựng đường, hè, chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh thảm cỏ, làm mương thoát nước, khu di dân…vốn đầu tư là 1.802 tỷ đồng, trong đó xây lắp 1,4 tỉ đồng công trình cơ bản khác 402 triệu đồng.
Ngày 22/12/1990, UBND TP Hà Nội có giấy phép sử dụng đất số 5556UB-XDCB cấp cho ban quản lý công trình 9.006 ha, tăng so với phê duyệt dự án 0,26ha.
Không những không đồng tình với việc làm khuất tất trên ông Nguyễn Văn Thiệu và một số hộ dân ở đây nhiều lần đã gửi đơn thứ tố cáo đến các ngành các cấp. Ông Thiệu dẫn ra: “Ngày 28/12/1990, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã thay đổi mốc số 38 trên bản đồ mốc giới làm tăng thêm khoảng 200m2 cho mặt bằng dự án, trong khi đó, lại không đưa vào quy hoạch cho dự án một khu đất rộng 1.075m2”.
Tháng 5/1991, theo chủ trương của TP, Viện thiết kế quy hoạch xây dựng Hà Nội tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch của dự án. Thiết kế điều chỉnh quy hoạch khi đó được Phó Giám đốc Sở Xây dựng và Phó Chủ tịch UBND TP ký trực tiếp trên bản vẽ.
Sự không minh bạch trong dự án nên phải treo tới 19 năm khiến cho những căn nhà của người dân ngày một xuống cấp nhưng không được tu sửa.
Tiếp tục, ngày 8/7/1991, UBND TP Hà Nội có giấy phép sử dụng đất số 1167/UB-XDCB cấp cho Ban quản lý công trình và ban kiến thiết quận Đống Đa 6.661m2.
Ngày 25/5/1995, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục có quyết định số 1359/QĐ-UB giao tiếp 5.184,8m2 cho Công ty xây dựng và phát triển công trình hạ tầng thuộc Ban chỉ đạo phong trào lao động xây dựng công trình công ích TP Hà Nội làm nhà ở để bán. Khi đó Công ty xây dựng và phát triển công trình hạ tầng mua cát đen tại cảng Hà Nội san lấp mặt bằng. Trên khu đất được phân ra 61 lô.
Ngày 7/11/1992, UBND TP Hà Nội có giấy phép sử dụng đất số 25UB/XDCB cấp 5.500m2 gồm 2.000m2 đất, 3.500 m2 đất mặt hồ Ba Mẫu trên khu đất 9.006ha cho Liên hiệp khoan học sản xuất, XNK điện lạnh thuộc Viện khoa học Việt Nam, để xây dựng khách sạn và trung tâm hội thảo nhưng sau đó không được thực hiện.
Ngày 5/5/1994, UBND TP có quyết định số 758 QĐ-UB phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để di dân tại hồ Ba Mẫu.
Tháng 7/1994, UBND TP Hà Nội lại có quyết định số 1415/QĐ-UB phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình cải tạo hồ Ba Mẫu, thay thế cho quyết định số 4177/QĐ-UB tháng 10/1990.
Tháng (11/1994) UBND TP Hà Nội có quyết định số 2947 giao cho Công ty tu tạo và phát triển nhà thuộc Sở Nhà đất Hà Nội 313m2 đất trên khu đất 9.006ha để xây nhà ở, cho thuê.
TIN LIÊN QUAN |
> Dự án hồ Ba Mẫu dừng lại vì không đủ quỹ đất di dân? > Các cơ quan chức năng bắt tay “đánh thức” dự án hồ Ba Mẫu > Dự án hồ Ba Mẫu “đắp chiếu” 2 thập kỷ vì không là trọng điểm? > Người dân hồ Ba Mẫu và hơn 10 năm “đoạn trường” kiến nghị > Dự án hồ Ba Mẫu: “Lãnh đạo cao nhất Hà Nội hãy đối thoại với dân” > Dự án hồ Ba Mẫu có thể hoàn thành trong 3 tháng? > Hồ Ba Mẫu: Đã có phương án nhưng vẫn chậm triển khai? > Chính quyền thiếu quyết liệt trong dự án hồ Ba Mẫu? |
Tháng 6/1995, UBND TP Hà Nội lại có quyết định số 1771/QĐ-UB giao cho Ban dịch vụ đất đai thuộc Sở quản lý ruộng đất và đo đạc để ký hợp đồng cho Công ty đầu tư xây lắp và phát triển nhà thuộc Ban tài chính quản trị Thành uỷ Hà Nội thuê 2.627m2 đất trên khu đất 9.006ha để xây dựng cụm biệt thự cho thuê.
Sau một năm, tháng 8/1996, UBND TP Hà Nội lại có quyết định số 2680/QĐ-UB về việc phê duyệt bổ sung và hoàn chỉnh dự án xây dựng hoàn thiện hạ tầng công viên hồ Ba Mẫu.
Tháng 9/1997 UBND TP Hà Nội tiếp tục có quyết định số 3662/QĐ-UB thu hồi 2615m2 trên khu đất 0,47ha di dân đã xây dựng xong một phần cơ sở hạ tầng, được giao trong quyết định số 758/QĐ-UB ngày 5/5/1994 giao cho ban quản lý công trình xây dựng quận Đống Đa để xây dựng trường tiểu học Phương Liên. Đây được xem là một hạng mục công trình chưa có trong quyết định phê duyệt của UBND TP trước đó.
Ngày 10/7/1998 UBND TP Hà Nội lại tiếp tục có quyết định số 2763/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất phục vụ di dân của dự án hồ Ba Mẫu. Khu di dân rộng 654m2 gồm 2 lô đất 443,5m2 và 210,5m2 tại 2 địa điểm của phường Trung Phụng, nằm ngoài chỉ giới quy hoạch dự án cải tạo hồ Ba Mẫu. “Như vậy đất trong quy hoạch dành giãn dân, không còn m2 nào. Chỉ còn đất ngoài quy hoạch”, ông Thiệu nói.
Còn theo những tài liệu mà VTC News có được, kểt từ năm 1998 đến nay UBND TP Hà Nội nhiều lần ra quyết định điều chỉnh lại dự án hồ Ba Mẫu:
Tháng 8/1998 UBND TP Hà Nội ra quyết định số 3308/QĐ-UB thu hồi 646m2 đất do UBND phường Trung Phụng quản lý, giao cho Ban quản lý công trình.
Trên bản đồ quy hoạch hồ Ba Mẫu do Phó kiến trúc sư trưởng TP và giám đốc ban quản lý công trình ký tháng 12/1998 trình UBND thành phố thì chỉ duy nhất khu đất 646m2 này cho di dân tại chỗ. Nhưng đến nay dự án cải tạo hồ Ba Mẫu vẫn chưa được thực hiện khiến cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân vô cùng khổ cực.
Ông Phạm Văn Thiệu còn viện dẫn: “Nhiều lần thay đổi quy hoạch sai mục đích nên theo kết luận của thành tra Nhà nước việc nâng cấp đường giao thông trong công viên đã gây tốn kém không đáng có điều đáng nói ở đây là họ đã cố tình làm sai lệnh mục đích ban đầu. Mục đích quy hoạch cải tạo hồ Ba Mẫu phục vụ công cộng và dân sinh, qua nhiều lần thay đổi để tạo ra quỹ đất xây nhà ở để bán, xây biệt thự cho thuê và làm đường giao thông trong công viên nhằm mục đích thương mại”, ông Thiệu nói.
Nhóm PV xã hội