Trong qui hoạch Vùng Thủ đô, Hưng Yên là một “vệ tinh” thuộc Vùng đối trọng phía Đông và Đông Nam của Hà Nội, mang sứ mệnh “kết nối cực nhanh” để hỗ trợ “hạt nhân Thủ đô”. Sự liên hệ này không thể chỉ bằng các “kết nối mờ ảo” trong không gian mà thiết thực phải có một tuyến đường xứng đáng với kỳ vọng phát triển. Thế nhưng… Khởi công đoạn trên địa phận Hưng Yên từ tháng 7/2005, đến nay 3 năm rưỡi đã trôi qua nhưng tuyến đường lẽ ra phải dài 21,4km thẳng tắp đến chân cầu Thanh Trì (Hà Nội) thuộc dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên hiện vẫn chỉ là một con đường cụt! Đoạn qua xã Liên Nghĩa, Tân Tiến (Văn Giang) và từ Yên Mỹ đến Khoái Châu xe đang bon bon bỗng “gián đoạn vô thời hạn”…
Theo “đề bài” qui hoạch, các nối kết về phía Đông này là tiền đề phát triển vùng đô thị hóa mạnh gồm nhiều không gian công nghiệp – dịch vụ và vì vậy, tuyến đường liên tỉnh nối cầu Thanh Trì với thị xã Hưng Yên (kể trên) đóng vai trò vô cùng quan trọng với địa giới hành chính cả hai địa phương này. Với bề rộng 12m gồm 4 làn xe, riêng đoạn đi qua khu đô thị rộng 100m gồm đường chính 38m và đường gom hai bên rộng 31m, tuyến đường sẽ không bị gián đoạn bởi bổ sung thêm nhiều cầu mới và khi hoàn thành, thời gian đi ôtô từ trung tâm Hà Nội đến thị xã Hưng Yên chỉ 15 phút! Báo cáo khả thi tuyến đường đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt từ tháng 6/2004, cùng với đó là chủ trương giao đất để tạo vốn xây dựng đường của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên (đã được Thanh tra Chính phủ đánh giá là “đúng đắn, phù hợp với qui hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, qui hoạch vùng Thủ đô và qui hoạch tổng thể tỉnh Hưng Yên nói chung, huyện Văn Giang nói riêng“). Trên trang web, chủ đầu tư (Vinajico) “hứa hẹn” hoàn tất đoạn qua Hưng Yên vào cuối 2007. Cơ sở pháp lý đầy đủ như vậy song thay vì hoàn tất, dự án này suốt thời gian dài vừa qua vẫn loay hoay khởi công, tái khởi động rồi lại… đình trệ! Trả lời VietNamNet về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, tỉnh cũng nắm được sự chậm trễ, ách tắc của dự án này, ý thức đầy đủ vai trò quan trọng của tuyến đường, song đây không phải ách tắc vì lạm phát, giá vật liệu leo thang hay năng lực chủ đầu tư… mà vì lý do muôn thuở: giải phóng mặt bằng! Khởi công được chừng một năm thì bà con trong khu vực khiếu kiện đền bù, giá cả nên dự án bị đình lại để tiến hành thanh tra. Tháng 3/2007, sau khi có kết luận tích cực của Thanh tra Chính phủ, dự án mới khởi động lại nhưng mãi đến cuối 2008, đầu 2009 mới giải phóng được mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư. “Đoạn đường hiện đã cơ bản hoàn thành thuộc gói 4, 5 của dự án, các gói còn lại như: cầu Bắc Hưng Hải, cầu Cảnh Quan, đoạn qua 3 xã Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công và thị trấn Văn Giang… chúng tôi cũng biết vẫn rất ngổn ngang nhưng sẽ quyết liệt tháo gỡ vướng mắc để đưa tuyến đường vào sử dụng sớm nhất có thể” – ông Cường nói. Cũng theo ông Cường, tuyến Hà Nội – Hưng Yên có thông thì nhiều vấn đề khác mới thông theo, như: phát triển công nghiệp – dịch vụ – thương mại – du lịch của địa phương, giải quyết nhu cầu về nhà ở và việc làm cho lực lượng lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong khu vực, đồng thời thu hút đầu tư vào địa bàn Gia Lâm, Bát Tràng (Hà Nội) và Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) hiện vẫn rất khó khăn về cơ sở hạ tầng. Riêng 4,2 km tuyến này trên địa phận Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) từ tháng 1/2008, được biết đến nay không còn vướng mắc (kể cả vấn đề giải phóng mặt bằng) và sẽ khởi công vào tháng 4/2009. Toàn tuyến hiện đang được lập mốc tiến độ mới: hoàn tất vào 2010, nhân kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
|
Nối Hà Nội với “đô thị vệ tinh” bằng… đường cụt?
7
Bài trước