Nhà B6 Giảng Võ, Hà Nội trên thực tế đã được phá một đơn nguyên, nhưng đến 2/6/2009, UBND quận Ba Đình mới chính thức có văn bản gửi Thành phố “đề nghị ban hành quyết định phá dỡ và đơn vị thực hiện phá dỡ” chung cư này. >> Đình chỉ phá dỡ nhà B6 Giảng Võ Theo công văn số 500/UBND-QLĐT ngày 2/6/2009 của UBND quận Ba Đình, đến ngày 1/6 (tức 4 ngày sau khi việc phá dỡ nhà B6 diễn ra) chủ đầu tư và chính quyền sở tại mới hoàn thành công tác di dời người và tài sản của 111 hộ gia đình khỏi chung cư nguy hiểm này. Thông thường, việc tiếp theo sẽ là UBND TP ban hành quyết định phá dỡ, giao cho đơn vị đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện phá dỡ (được thẩm định và đề xuất bởi các sở, ngành). Sau đó, phương án phá dỡ được mang ra tính toán bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan rồi mới chính thức bắt đầu phá dỡ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Bùi Văn Thông cho hay, đến nay, UBND TP Hà Nội đã có không chỉ 1 mà 2 văn bản đồng ý về nguyên tắc cho phép 2 đơn vị khác nhau lập phương án phá dỡ nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ. Đó là văn bản 3765/UBND-GT ngày 5/12/2008 giao Cty TNHHNN 1 thành viên Đầu tư Xây lắp và Thương mại 36 và văn bản 3238/UBND-GT ngày 17/4/2009 giao Cty CP Đầu tư hạ tầng Phương Bắc.
Đặc biệt hơn, Sở Xây dựng (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, tham mưu, đề xuất) đến nay cũng có 2 văn bản chấp thuận giải pháp dỡ nhà B6 Giảng Võ của cả 2 đơn vị này: văn bản 4317/SXD-GĐCL ngày 29/12/2008 đối với Cty 36 và văn bản 2507/SXD-GĐCL ngày 20/4/2009 của Cty Phương Bắc! Gần đây nhất, thêm một lần nữa, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP khẳng định thời gian qua, Cty Phương Bắc đã phá dỡ nhiều chung cư lắp ghép nguy hiểm và các công trình kết cấu phức tạp khác, đảm bảo an toàn. Do đó, Sở này đề nghị TP Hà Nội quyết định giao Cty Phương Bắc dỡ nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra. Vậy là, nếu tính cả một lần sở này đề xuất Cty Phương Bắc phá dỡ chung cư B6 Giảng Võ từ năm 2007 là đã có tất thảy 3 – 4 lần Cty Phương Bắc được đề xuất giao nhiệm vụ phá nhà B6. Song, đến lúc này, khi dân nhà nguy hiểm đã chuyển đi hết, một trong ba đơn nguyên nhà B6 lại vừa bị phá vẹt các tầng trên, khiến nó càng thêm nguy hiểm (tựa một “bẫy” trên cao bất cứ lúc nào cũng có thể sụp xuống không báo trước) – việc quyết định đơn vị, phương án phá dỡ vẫn đang chờ đợi Thành phố Hà Nội. Thông tư 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ xây dựng quy định rõ thẩm quyền quyết định phá dỡ các công trình nguy hiểm phải cưỡng chế do UBND các cấp quyết định, việc phá dỡ công trình phải do đơn vị có các trang thiết bị phá dỡ, có năng lực và kinh nghiệm thực hiện. (Theo CAND) |