KTĐT – Không gian trên mặt đất đang ngày càng trở nên chật chội, cho dù các công trình xây dựng đã và đang ngày càng được chồng cao thêm.
Sự chật chội khiến cho các cư dân đô thị phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, gây bức bách, phiền toái như thiếu chỗ đỗ xe, thiếu không gian công cộng để thư giãn, không gian xanh… Ở Việt
Trong những năm qua, đô thị Việt Nam phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đang tạo ra áp lực về hạ tầng đô thị, nhà ở, văn phòng, giao thông đô thị và không gian công cộng. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh quỹ đất đã gần như cạn kiệt, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, đòi hỏi việc phát triển phải hướng tới khả năng tận dụng, phát triển song song cả chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị. Hiện nay, các đô thị ở Việt Nam chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc khai thác không gian ngầm. Tình trạng này đã dẫn đến nhiều bất cập trong việc phát triển không gian đô thị. Tại Tp Hồ Chí Minh, do không có quy hoạch không gian ngầm nên khi đầu tư xây dựng các tuyến metro ngầm gặp hàng loạt vấn đề khó khăn, làm đau đầu các nhà tư vấn, quản lý vì các công trình trên đất đều đã hiện hữu từ trước, diện tích đất trống còn lại quá chật.
PGS.TS Lưu Đức Hải – Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) nhận định, nguyên nhân đầu tiên là do thiếu quy hoạch không gian ngầm đô thị, làm cản trở công tác quản lý và đầu tư về lĩnh vực này. Thực tế này đã dẫn đến sự băn khoăn và nghi ngại trong việc phát triển không gian ngầm đô thị vì sợ đi trước khi có quy hoạch sẽ tạo ra những phức tạp về sau. “Ngoài ra, chúng ta còn thiếu một hành lang pháp lý với những quy chế, quy định, tiêu chuẩn cơ bản về công tác đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị. Vì vậy, hiện nay nhiều khi các cơ quan chức năng phải “tùy nghi”trong các quyết định” – ông Hải nói.
Trong thời điểm khởi đầu cho việc hình thành không gian ngầm đô thị tại Việt Nam như hiện nay, công tác quy hoạch chính là điểm mấu chốt. Do đó, quy hoạch không gian ngầm cần phải được xác định như một nhiệm vụ trọng tâm then chốt. Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống giao thông ngầm phải được đặt ở vị trí đặc biệt, bởi nó là mấu chốt cho việc kết nối và chi phối hạ tầng không gian ngầm. Trong quá trình lập quy hoạch cũng như lập dự án đầu tư cần tính toán đến việc tạo ra tính đa năng trong các dự án. Phải tính toán kỹ càng và có tầm nhìn xa cho việc liên kết hệ thống các công trình ngầm với hệ thống không gian trên mặt đất, đồng thời đảm bảo việc khớp nối kỹ thuật, khớp nối không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị. Theo ông Lưu Đức Hải, cần phải khẳng định quy hoạch ngầm là một nội dung của quy hoạch xây dựng đô thị. Khi lập quy hoạch xâydựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố để quy hoạch xây dựng ngầm.
Theo TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), người đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng và quản lý không gian ngầm: Việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm có nhiều lợi thế nhưng cũng có không ít thách thức. Đầu tư ban đầu công trình ngầm lớn nhưng khả năng thu hồi lâu dài, độ rủi ro cao trong quá trình xây dựng, phần lớn thường bị chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư. Hơn nữa, công trình ngầm với các vấn đề, yếu tố liên quan đến tính mạng con người như thông hơi, chiếu sáng, chống ngập, thoát nước, cấp nước, phòng chống cháy nổ… đòi hỏi tính kỹ thuật, công nghệ, trình độ và năng lực chuyên môn cao. Từ quy hoạch, thi công xây dựng, nghiệm thu, bảo trì, quản lý vận hành công trình ngầm đều đòi hỏi một hệ thống quy chuẩn, tiêu chẩn cụ thể, nghiêm ngặt.
Tâm – Thu