Phí sử dụng vỉa hè: Cao nhất 69.000 đồng/m²









Bãi giữ xe trên vỉa hè đường Tôn Thất Đạm, quận 1 – TP.HCM – Ảnh: T.Thạnh


Liên sở Tài chính – GTVT TP.HCM vừa có dự thảo trình UBND TP.HCM về việc thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng lề đường trên các tuyến đường ở TP.HCM. Theo đó, liên sở Tài chính – GTVT đề xuất chọn phương án thu phí vỉa hè được tính toán cụ thể cho từng quận, huyện thay vì thu theo phân nhóm như dự thảo lần trước.


Trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường, lề đường vào hoạt động xã hội, tang lễ, tiệc cưới sẽ không thu phí


Từng quận, huyện có mức thu riêng


Theo đó, mức phí đề nghị áp dụng cho quận 1 trong trường hợp sử dụng lề đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe có thu phí, để xe tự quản, quảng cáo 46.000 đồng/m²/tháng.


Các quận trung tâm còn lại có mức thu đề xuất như sau: quận 3 là 29.000 đồng/m²/tháng, quận 5: 21.000 đồng/m²/tháng, quận 6: 13.000 đồng/m²/tháng, quận 10: 16.000 đồng/m²/tháng, quận 11: 12.000 đồng/m2/tháng, quận Phú Nhuận: 17.000 đồng/m²/tháng, quận Tân Bình: 11.000 đồng/m²/tháng… Mức thu ở các quận vùng ven khá thấp, dao động từ 1.000 đồng/m²/tháng (huyện Cần Giờ) đến 8.000 đồng/m²/tháng (quận 2, quận 7…).


Có 217 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí.


Còn trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường, lề đường để thi công, xây dựng, lắp đặt, sửa chữa công trình, trung chuyển vật liệu xây dựng, liên sở Tài chính – GTVT đề nghị thu gấp 1,5 lần mức thu ở trên. Nguyên nhân do việc sử dụng vỉa hè kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị và tình hình giao thông.


Như vậy, nếu người dân ở quận 1 sử dụng vỉa hè vào mục đích trên thì phải đóng 69.000 đồng/m2/tháng, quận 3 đóng 44.000 đồng/m²/tháng, quận 5 là 32.000 đồng/m²/tháng…


Chỉ có duy nhất trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường, lề đường vào hoạt động xã hội, tang lễ, tiệc cưới được đề nghị không thu phí. Mức thu sẽ ổn định trong vòng 5 năm mới được tính lại một lần.


Theo liên sở Tài chính – GTVT, sở dĩ đề xuất UBND TP chọn phương án thu phí như trên là do mức phí được tính toán cụ thể cho từng quận, huyện, phù hợp hơn hẳn việc thu phí “đồng giá” theo nhóm như dự thảo lần trước. Hạn chế của việc thu theo nhóm là không thể hiện được sự khác biệt về mức thu nhập, chi tiêu… của từng quận, huyện trong một nhóm.


Tiền thu được dùng duy tu đường


Cũng theo đề xuất của liên sở Tài chính-GTVT, toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng vỉa hè sẽ do quận, huyện sử dụng. Trong đó, tỉ lệ để lại hằng năm ở các quận, huyện có khác nhau.


Cụ thể, quận 1 đề xuất để lại 2%; quận 5, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận để lại 6%; quận 3, 6, 8, 11, Gò Vấp để lại 10%; quận 2, 4, 7, Tân Bình để lại 25%; quận Tân Phú, các huyện Củ Chi, Bình Chánh để lại 40%; quận 9, 12 để lại 55%; quận Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ để lại 100%.


Như vậy, theo ước tính doanh thu của quận 1 (khoảng 58 tỉ đồng) thì tỉ lệ để lại hằng năm ở quận này là 1,16 tỉ đồng, quận 3 là 630 triệu đồng, quận Bình Thạnh là 1,164 tỉ đồng… Tỉ lệ để lại hằng năm này sẽ do cơ quan, đơn vị thu phí nắm giữ. Số còn lại nộp vào ngân sách quận, huyện để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa lòng, lề đường.


Tuy nhiên, phía quận 3 lại cho rằng việc trích tỉ lệ để lại mang tính chất tương đối như trên lại khiến quận, huyện băn khoăn, chưa triển khai nên chưa biết tình hình sẽ như thế nào.


Tiền trả cho nhân sự đã có định mức là 54 triệu đồng/người/năm, nếu thực thu nhỏ hơn ước tính doanh thu nhiều lần thì phần tỉ lệ để lại chẳng còn bao nhiêu. Vì thế, các quận, huyện đề nghị tỉ lệ để lại theo kiểu “khoán trọn gói”.


Theo ÁNH NGUYỆT – Người lao động

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *