Trang chủ » Quá tải – thách thức lớn ở đô thị

Quá tải – thách thức lớn ở đô thị

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments








Theo dự báo của Bộ Xây dựng, gần một nửa số dân Việt Nam sẽ sống tại đô thị vào 2020. Đây là một thách thức lớn đối với các đô thị Việt Nam.





Sự quá tải tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM là bài học nhãn tiền. Ảnh: Kim Sơn.


Nguy cơ ô nhiễm môi trường




Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và tỷ lệ người Việt Nam sống ở các khu vực thành thị sẽ tăng từ 27% hiện nay lên 45% (tức 46 triệu người) vào năm 2020. TS Willibold Frehner – Trưởng đại diện Viện Konrad – Adenauer (Đức) đã chỉ ra rằng: “Việc người nông dân bỏ làng quê ra thành phố (mỗi năm 1 triệu người) sẽ đặt đô thị trước những vấn đề nan giải: Họ sẽ phải đi tìm việc làm mới, nhà ở mới, gây thêm lưu lượng giao thông, dùng thêm nhiều nước và gây thêm nước thải + rác”.



Đô thị hóa tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc những thách thức đang đặt ra thường trực với các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Sự quá tải của hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM đang là bài học nhãn tiền. Tình trạng tắc đường liên miên, ô nhiễm tiếng ồn, không khí, nguồn nước đang ngày một trở nên bức thiết. Những đợt mưa ở Hà Nội (như hồi tháng 11 năm 2008) và những đợt triều cường ở TP.HCM làm ngập úng nhiều khu vực đang là một minh chứng hiện hữu.



Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển đô thị phải gắn liền với việc cuộc sống của người dân được cải thiện hơn. Không một quốc gia nào khi đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao mà không phải trải qua quá trình đô thị hóa. Thế nhưng, trong những báo cáo mới nhất về phát triển của Việt Nam, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng: “Với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không có một tầm nhìn sâu rộng, dài hạn, các đô thị Việt Nam sẽ phải trả giá đắt”. Bởi lẽ, người dân sẽ không thể yên lòng khi cứ mở mắt là phải đối diện với tăng giá, kẹt xe, ngập nước, đời sống ngày một khó khăn hơn. Không những thế, điều mà người dân đang thấy hiện hữu là tình trạng xuống cấp của môi trường đô thị, là những công trình “rùa bò” đang như cái gai trước mắt, là những khu đất công cộng (công viên, vườn hoa, chợ…) bị người ta ngang nhiên chiếm dụng. TP.HCM đang có cả chục công trường bộn bề với “lô cốt” giăng khắp nẻo. Thủ đô Hà Nội với rất nhiều công trình hướng tới nghìn năm Thăng Long cũng phải đối mặt với sự dở dang, chậm tiến độ.




Xác định tầm nhìn dài hạn




“Không chỉ đưa ra tầm nhìn dài hạn 10, 20 năm, thậm chí 50 đến 100 năm, mà phải xác định vị trí nào người dân di cư sẽ sống ở đó, để cung cấp các cơ sở hạ tầng như điện nước và cấp thoát nước nhằm tạo điều kiện cho họ”. Bên cạnh đó, cần gìn giữ những ưu thế vốn có ở các TP đang hiện hữu và tập trung vào phát triển các TP vệ tinh nhằm giảm thiểu sự tập trung quá đông dân cư trong một TP giống ở một vài nước trên thế giới.



Những con số tăng trưởng năm, mười phần trăm hay hơn nữa sẽ không có ý nghĩa gì nếu sự phồn thịnh trong đời sống người dân không tỷ lệ thuận theo? Hay nói cách khác, tăng trưởng kinh tế phải gắn với sự bền vững, phải đem lại sự phồn vinh cho chính người dân chứ không phải chỉ là những con số tròn trĩnh trong các bản báo cáo.



Theo TS Willibold Frehner, Việt Nam vẫn còn đủ thì giờ định hướng dòng nhập cư vào các TP bằng cách xây dựng các đô thị nhỏ có sức hấp dẫn hơn và cung cấp việc làm và nhà ở cho mọi người. Được như thế, trong 20 năm nữa, dân cư sẽ phân bổ khá đều đặn trên toàn diện tích. Nếu bắt tay vào việc ngay từ bây giờ sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường trong tương lai tại các TP đang phát triển ở Việt Nam. Bằng không, hình ảnh những dòng sông bị ô nhiễm như: Đồng Nai, sông Đáy, sông Cầu, sông Nhuệ; những TP bụi mù trời hiện hữu đang là minh chứng cho sự hủy hoại bởi chính bàn tay con người.









Một số nguy cơ khi đô thị đón nhận dòng dịch chuyển từ nông thôn




– Quan hệ gia đình trở lên lỏng lẻo.
– Phân hoá giàu nghèo.
– Thiếu hụt nhân lực chuyên môn
– Bất bình đẳng xã hội: Cùng với sự phát triển kinh tế, sự bất bình đẳng xã hội cũng phát triển the Ở vùng nông thôn có 35% dân số sống dưới mức nghèo khổ, trong khi đó toàn quốc con số này là 13,1% (chỉ số của năm 2008). Phần đông người TP có thu nhập cao hơn hẳn… Nếu sự bất bình đẳng xã hội còn phát triển tiếp thì sẽ gây ra xung đột trong xã hội, vì vậy phải được ngăn ngừa.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.